Bài tập tình huống luật thương mại 2 – Phần 1

Bài tập tình huống luật thương mại 2 – phần 1


Bài 1.

Hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa giữa công ty TNHH A (bên giao đại lý) và công ty TNHH B (bên đại lý) có thỏa thuận như sau:

Bên B làm đại lý độc quyền cho bên A;

Bên B được nhân danh chính mình để giao kết các hợp đồng mua bán hàng hóa;

Bên B chỉ bán các sản phẩm mà bên A cung cấp, không bán các sản phẩm cạnh tranh hoặc bên A cho là cạnh tranh nếu không được bên A đồng ý bằng văn bản.

Hỏi: Những thỏa thuận trên có vi phạm LTM 2005 hay không?


Trả lời:

Đánh giá những thỏa thuận trên như sau:

1. Theo khoản 2 Điều 169 LTM 2005, đại lý độc quyền là một trong các hình thức đại lý được pháp luật quy định. Vậy, thỏa thuận về hình thức đại lý phù hợp quy định LTM 2005.

2. Theo Điều 166 LTM 2005, trong quan hệ với khách hàng, bên đại lý nhân danh chính mình. Vậy, thỏa thuận về tư cách pháp lý trong giao dịch với người thứ ba trong hợp đồng phù hợp với quy định LTM 2005.

3. Pháp luật cho phép các bên có quyền tự do thỏa thuận những nội dung không trái quy định pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Vì vậy, thỏa thuận về nghĩa vụ của bên B không trái quy định LTM 2005.

Theo hợp đồng trên: Bên A có nghĩa vụ chỉ giao cho bên B làm đại lý mua bán hàng hóa tại một khu vực địa lý nhất định theo thỏa thuận của hai bên (vì hình thức đại lý độc quyền); Bên B có nghĩa vụ chỉ bán các sản phẩm mà bên A cung cấp, không bán các sản phẩm cạnh tranh hoặc bên A cho là cạnh tranh nếu không được bên A đồng ý bằng văn bản (do hai bên thỏa thuận).

Bài 2.

Công ty cổ phần dược Hoa Đà (Bên A) phân phối cốm vi sinh do mình sản xuất cho CTTNHH Lương Y (Bên B) trên địa bàn tỉnh H. Hai bên ký kết với nhau hợp đông đại lý độc quyền có một số điều khoản sau:

Đối tượng của hợp đồng: 10 thùng cốm vi sinh Ăn Ngon, mỗi thùng gồm 30 hộp trọng lượng 150 gram;

Bên B có trách nhiệm bán đúng giá như bên A quy định;

Bên A chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hóa sản xuất cung cấp cho bên B;

Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm nộp phạt 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

1. Nhận xét về điều khoản của hợp đồng.

Tên hợp đồng và đối tượng của hợp đồng chưa thống nhất với nhau. Với mục đích giao kết hợp đồng đại lý, đối tượng của hợp đồng phải là công việc bên B nhân danh chính mình bán hàng của bên A cho khách hàng để hưởng thù lao. Các thỏa thuận khác không trái quy định của pháp luật cho

2. Nêu trách nhiệm của các bên trong trường hợp có khách hàng sử dụng sản phẩm và bị ngộ độc. Khách hàng có được kiện bên có liên quan ra trung tâm trọng tài thương mại không?

Theo quy định tại Điều 173 và 175 LTM năm 2005, pháp luật tôn trọng và ưu tiên thỏa thuận của các bên, do đó, bên A là người phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng về chất lượng của sản phẩm. Theo quy định tại Điều 17 Luật TTTM năm 2010, người tiêu dùng có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Do đó, người tiêu dùng có quyền kiện bên liên quan tới trung tâm trọng tài (bao gồm và không loại trừ cả bên đại lý do liên quan đến nghĩa vụ bảo quản, có thể ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa)

3. Bên B nhận phân phối hàng cốm vi sinh cho một công ty dược khác. Bên A có được quyền yêu cầu bên B phải nộp phạt với lý do bên B đã vi phạm nghĩa vụ của đại lý độc quyền không?

Bên A không được lấy lý do bên B vi phạm nghĩa vụ của bên đại lý độc quyền vì bản chất khái niệm đại lý độc quyền hoàn toàn khác, theo đó, bên A chỉ giao đại lý cho một mình bên B thực hiện việc bán hàng trong một phạm vi lãnh thổ nhất nhất định. Điều này không hạn chế việc bên B có được quyền bán sản phẩm của các công ty.

Bài 3.

Ngày 22/7/2017, công ty cổ phần K ký hợp đồng bán tôm đông lạnh cho công ty cổ phần V.

1. Hợp đồng giữa hai công ty cổ phần K và công ty cổ phần V là loại hợp đồng gì?

Căn cứ vào chủ thể ký kết hợp đồng đều là hai thương nhân, đối tượng hợp đồng là hàng hóa (động sản) thì hợp đồng giữa hai công ty cổ phần K và công ty cổ phần V là hợp đồng mua bán hàng hóa chịu sự điều chỉnh của LTM (2005).

2. Xác định địa điểm giao hàng, được biết các bên không có thỏa thuận về địa điểm giao hàng và vận chuyển hàng trong hợp đồng.

Theo điểm c, điểm d khoản 2 Điều 35 LTM (2005) thì nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên biết được địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất, chế tạo hàng hóa thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm đó; trong trường hợp khác, bên bán phải giao hàng tại địa điểm kinh doanh của bên bán.

Bài 4.

Ngày 11/3/2017, CTCP xây lắp vật liệu xây dựng A (bên A) ký hợp đồng số 69/HĐMBHH bán 300 tấn xi măng PCB Bỉm Sơn cho CTCP B (bên B). Theo thỏa thuận trong hợp đồng, bên A sẽ giao hàng cho bên B trong thời hạn từ ngày 10/5/2017 đến ngày 10/6/2017. Hợp đồng không có thỏa thuận về thời hạn thanh toán tiền mua hàng.

1. Bên A có thể giao 300 tấn xi măng cho bên B vào ngày 1/6/2017 không? Nêu căn cứ pháp lý.

Bên A có thể giao 300 tấn xi măng cho bên B vào ngày 1/6/2017, căn cứ vào khoản 2 Điều 37 LTM (2005): Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua.

2. Xác định thời hạn bên B phải thanh toán tiền mua hàng cho bên A.

Khoản 1, khoản 2 Điều 55 LTM (2005): Nếu hợp đồng không có thỏa thuận về thời hạn thanh toán thì bên mua phải thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hóa. Bên mua không nghĩa vụ thanh toán cho đến khi có thể kiểm tra xong hàng hóa trong trường hợp có thỏa thuận theo quy định tại Điều 44 LTM (2005).

Bài 5.

Ngày 11/3/2018, công ty TNHH H ký hợp đồng số 09/HĐMBHH bán 200 tấn bột mỳ đang trên đường vân chuyển từ ĐN về HN cho công ty TNHH T. Sau khi ký vong hợp đồng, do gặp sự cố thời tiết nên 200 tấn bột mỳ đã bị hư hỏng trên đường vận chuyển.

1. Hợp đồng số 09/HĐMBHH ngày 11/3/2018 có chịu sự điều chỉnh của BLDS.

Hợp đồng số 09/HĐMBHH ngày 11/3/2018 có chịu sự điều chỉnh của BLDS theo quy định tại khoản 3 Điều 4 LTM (2005). BLDS quy định về những vấn đề chung được áp dụng cho tất cả các quan hệ hợp đồng (giao kết hợp đồng, đại diện hợp pháp ký kết hợp đồng, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.

2. Bên sẽ phải chịu rủi ro về hư hỏng 200 tấn bột mỳ.

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hóa đang trên đường vận chuyên thi rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyên cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.

Bài 6.

Thương nhân A thuê thương nhân B làm đại diện cho mình để thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa trong phạm vi lãnh thổ miền Bắc. Nhưng thương nhân B lại ký được 1 hợp đồng bán hàng cho 1 khách hàng ở miền Nam. Hợp đồng đó có hiệu lực pháp luật không?

Trả lời:

Bản chất của dịch vụ đại diện cho thương nhân chính là việc thương nhân A ủy quyền cho thương nhân B thay mình ký hợp đồng mua bán hàng hóa với khách hàng. Do vậy, việc thương nhân B được đại diện cho thương nhân A để thực hiện các công việc chỉ trong phạm vi thẩm quyền đại diện, cụ thể: trong lãnh thổ miền Bắc. Vì thế, khi ký hợp đồng với khách hàng ở miền Nam, thương nhân B đã vượt quá phạm vi ủy quyền. Hợp đồng đó nếu được thương nhân A chấp nhận: có hiệu lực; nếu không: vô hiệu.

Bài 5.

Khi một thương nhân có nhu cầu quảng cáo cho sản phẩm, ví dụ: sữa rửa mặt mà mình đang cung cấp, họ đã ký hợp đồng với một thương nhân chuyên kinh doanh dịch vụ quảng cáo để tạo ra một sản phẩm quảng cáo. Vậy nếu người tiêu dùng sau khi xem sản phẩm quảng cáo được phát trên truyền hình, mua sữa rửa mặt đó về rửa và bị dị ứng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Trả lời:

Thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện công việc xây dựng 1 sản phẩm quảng cáo theo yêu cầu của thương nhân sản xuất ra sản phẩm, cụ thể: quảng cáo cho sữa rửa mặt. Việc người tiêu dùng xem sản phẩm quảng cáo được phát trên truyền hình, mua về dùng và bị dị ứng không liên quan đến thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo, mà liên quan đến chất lượng sản phẩm. Do vậy, thương nhân sản xuất ra sản phẩm phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Người tiêu dùng (với tư cách là người mua) sẽ khiếu nại, khởi kiện đến người bán (có thể trực tiếp là thương nhân sản xuất ra sản phẩm hoặc đại lý của họ) để bảo vệ quyền lợi của mình.

 

 

Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn