Ths TRẦN ANH LIÊM (Thẩm phán TAND
huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) - Khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì vụ án
phải được đình chỉ, tuy nhiên đình chỉ vụ án và đình chỉ bị can (bị cáo) là hai
khái niệm hoàn toàn khác nhau. BLTTHS năm 2015 không quy định đình chỉ bị can
(bị cáo) là cá nhân mà chỉ quy định đình chỉ bị can (bị cáo) là pháp nhân, nên
có những vướng mắc trong thực tiễn.
1.Quy định của pháp luật hình sự
Khởi tố vụ án theo yêu cầu của người
bị hại là một chế định được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS),
xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho
phép người bị hại lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình
sự. Do đó, đối với một số tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được khởi tố
vụ án khi có yêu cầu của người bị hại, nếu không việc khởi tố này là trái pháp
luật.
So với BLTTHS năm 2003 thì BLTTHS năm
2015 đã mở rộng hơn về thời điểm người bị hại có quyền rút yêu cầu, theo đó người
bị hại được quyền rút yêu cầu bất cứ lúc nào trong suốt quá trình tố tụng, từ
giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử, từ cấp xét xử sơ thẩm đến phúc thẩm.
Khi người bị hại rút yêu cầu khởi
tố thì vụ án phải được đình chỉ, tuy nhiên trong tố tụng hình sự, đình chỉ vụ
án và đình chỉ bị can (bị cáo) là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Đình chỉ
vụ án là quyết định chấm dứt mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án, vụ án đã có
quyết định đình chỉ thì không được phục hồi điều tra, truy tố hoặc xét xử (Điều
247). Đình chỉ bị can (bị cáo) là quyết định chấm dứt mọi hoạt động đối với bị
can (bị cáo) đó mà không ảnh hưởng đến bị can (bị cáo) khác trong vụ án. Tuy
nhiên, BLTTHS năm 2015 không quy định đình chỉ bị can (bị cáo) là cá nhân mà
chỉ quy định đình chỉ bị can (bị cáo) là pháp nhân (Điều 443). Việc đình chỉ bị
can (bị cáo) là cá nhân được thể hiện trong quyết định đình chỉ vụ án đối với
từng bị can (bị cáo) (Điều 247 và Điều 282).
2.Một số vướng mắc, bất cập
Thứ nhất, theo quy định tại Điều
155 BLTTHS năm 2015: “2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ
án phải được đình chỉ... ”. Theo nội dung điều luật thì vụ án phải được đình
chỉ thể hiện văn bản tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng ban hành là
Quyết định đình chỉ vụ án (cả vụ án) mà không thể hiện việc đình chỉ vụ án đối
với từng bị can (bị cáo). Do đó, trong thực tiễn áp dụng pháp luật xảy ra trường
hợp: Trong vụ án hình sự, người bị hại chỉ rút yêu cầu khởi tố đối với một hoặc
một số bị can (bị cáo), không rút yêu cầu khởi tố đối với một hoặc một số bị
can (bị cáo) còn lại. Một hoặc một số người bị hại rút yêu cầu khởi tố, một
hoặc một số người bị hại còn lại không rút yêu cầu khởi tố thì đình chỉ vụ án
hay đình chỉ vụ án đối với từng bị can (bị cáo).
Mặc dù Điều 247 và Điều 282 quy định:
Trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để đình chỉ vụ án không liên
quan đến tất cả bị can, bị cáo thì có thể đình chỉ vụ án đối với từng bị can,
bị cáo. Quy định này so với quy định tại khoản 2 Điều 155: Trường hợp người đã
yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ chưa thống nhất.
Nguyên nhân xuất phát từ việc BLTTHS năm 2015 không quy định đình chỉ bị can
(bị cáo) là cá nhân.
Thứ hai, tại Điều 63 của LXLVPHC năm
2012 quy định: Đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý,
giải quyết, nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định
hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc
quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì
trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan tiến hành tố tụng
hình sự phải chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương
tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm
quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định trên có thể hiểu, đối
với việc đình chỉ vụ án hình sự thuộc trường hợp người bị hại rút yêu cầu thì cơ
quan tiến hành tố tụng cũng phải chuyển hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền
xử phạt vi phạm hành chính để xem xét, quyết định việc xử phạt vi phạm hành
chính đối với người đã bị khởi tố vụ án hình sự.
Điều 63 LXLVPHC quy định thời hạn
chuyển “… trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định” nhưng BLTTHS quy định:
Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có
quyền kháng cáo nhận được quyết định (Điều 333), thời hạn kháng nghị đối với
quyết định của Tòa án sơ thẩm là 7 ngày đối với Viện kiểm sát cùng cấp, 15 ngày
đối với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp (Điều 337). Do đó, quy định về thời
hạn chuyển hồ sơ vi phạm để xem xét, quyết định việc xử phạt vi phạm hành chính
theo quy định của LXLVPHC chưa thống nhất với quy định của BLTTHS.
Trong thực tiễn áp dụng pháp luật,
chúng tôi nhận thấy, có nhiều Tòa án chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử
lý vi phạm hành, có nhiều Tòa án không chuyển. Có Tòa án ban hành quyết định đình
chỉ vụ án hình sự trong đó nêu nội dung kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt
vi phạm hành chính, có Tòa án ban hành công văn riêng.
Thứ ba, BLTTHS quy định khởi tố vụ
án phải có yêu cầu của người bị hại là thể hiện việc bảo vệ tối đa quyền và lợi
ích hợp pháp của người bị hại. Pháp luật hình sự trao cho người bị hại quyền tự
định đoạt và tạo điều kiện cho người phạm tội khắc phục hậu quả, hạn chế việc
gây thêm những tổn thất, mất mát về mặt tinh thần, danh dự không cần thiết có
thể có đối với người bị hại. Do đó, trong vụ án hình sự có nhiều người bị hại,
có một hoặc một số người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố nhưng một hoặc một số
người bị hại không rút yêu cầu khởi tố. Hoặc trong vụ án hình sự, người bị hại
chỉ rút yêu cầu khởi tố đối với một hoặc một số người bị khởi tố thì vụ án hình
sự có được đình chỉ hay không? Vấn đề này trong thực tiễn áp dụng pháp luật còn
nhiều lúng túng, chưa thống nhất.
Thứ tư, tại Điều 248 BLTTHS quy định:
“2. Quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do và căn cứ đình chỉ vụ án, việc
hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ
vật đã tạm giữ (nếu có), các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy định
tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này” (giai đoạn truy tố). Tuy nhiên, Điều 282
chỉ quy định: “ 2. Quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do đình chỉ và các
nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này” mà không quy định việc
hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ
vật đã tạm giữ (nếu có), các vấn đề khác có liên quan. Vấn đề này đã gây ra
nhiều bất cập trong áp dụng pháp luật, nhiều vụ án hình sự đã có quyết định đình
chỉ vụ án nhưng việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, xử lý vật
chứng, tài liệu, đồ vật đã tạm giữ chưa được thực hiện triệt để.
3. Đề xuất, kiến nghị
Để áp dụng chính xác, thống nhất và
đúng quy định của BLTTHS năm 2015, LXLVPHC năm 2012, chúng tôi cho rằng cần
phải có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này, đồng thời cần sửa đổi, bổ sung một
số nội dung sau:
Thứ nhất, cần bổ sung khoản 2 Điều
155 BLTTHS năm 2015: Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án
phải được đình chỉ, Trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để đình
chỉ bị can, bị cáo không liên quan đến tất cả bị can, bị cáo thì có thể đình
chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo. Hoặc sửa đổi quy định đình chỉ bị can
(bị cáo) là cá nhân trong một số điều luật để có sự thống nhất với quy định đình
chỉ bị can (bị cáo) là pháp nhân (Điều 443).
Thứ hai, sửa đổi quy định tại Điều
63 LXLVPHC năm 2012: “1. Đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự
thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự,
quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều
tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính,
thì hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình
sự (sửa đổi thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định,) cơ quan tiến hành tố
tụng hình sự phải chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương
tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm
quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Thứ ba, cần thống nhất nội dung quy
định tại Điều 248 và Điều 282, đó là bổ sung khoản 2 Điều 282 nội dung: Quyết định
đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do và căn cứ đình chỉ vụ án, việc hủy bỏ biện
pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật đã tạm
giữ (nếu có), các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy định tại khoản 2
Điều 132 của Bộ luật này để có sự thống nhất với quy định tại Điều 248.
Thứ tư, TANDTC cần có hướng dẫn kịp
thời đối với trường hợp đình chỉ vụ án hình sự mà trong vụ án hình sự có nhiều
người bị hại, có một hoặc một số người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố nhưng một
hoặc một số người bị hại không rút yêu cầu khởi tố; hoặc trong vụ án hình sự,
người bị hại chỉ rút yêu cầu khởi tố đối với một hoặc một số người bị khởi tố;
cần hướng dẫn cụ thể việc chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm
hành chính theo thẩm quyền, cũng như việc kiến nghị xử lý vi phạm hành chính
ban hành công văn riêng hay đề cập trong quyết định đình chỉ.
Thứ năm, cần bổ sung quy định tại Điều
63 LXLVPHC trường hợp: Bản án của Tòa án tuyên bố một người không phạm tội, nếu
hành vi của họ có dấu hiệu vi phạm hành chính thì Tòa án phải chuyển bản án và
kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm
hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, vì hiện tại,
theo quy định tại Điều 63 không quy định trường hợp này mà chỉ quy định trong
các trường hợp: quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết
định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình
chỉ vụ án.