NGUYỄN TRUNG KIÊN (Thẩm phán, Tòa
án quân sự Khu vực - Quân khu 1) - Thực tiễn xét xử cho thấy, việc phân biệt và
xác định tư cách tố tụng của Bị hại và các đương sự như: Nguyên đơn dân sự, Bị đơn
dân sự, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đang gặp nhiều khó khăn,
vướng mắc, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.
1.Những loại người tham gia tố tụng
Xác định tư cách người tham gia tố
tụng trong vụ án hình sự có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho các cơ quan
tiến hành tố tụng thực hiện đúng các quy định của Bộ luật hình sự (BLHS), Bộ
luật tố tụng hình sự (BLTTHS) và các quy định pháp luật có liên quan; việc xác định
sai tư cách người tham gia tố tụng sẽ dẫn đến quyết định sai về phần trách
nhiệm dân sự, sai về quyền kháng cáo… làm cho việc giải quyết vụ án hình sự
không được toàn diện, triệt để. Theo quy định tại Điều 55 BLTTHS thì có 20 loại
người tham gia tố tụng trong các giai đoạn tố tụng khác nhau, bao gồm:
1.Người tố giác, báo tin về tội
phạm, kiến nghị khởi tố.
2.Người bị tố giác, người bị kiến
nghị khởi tố.
3.Người bị giữ trong trường hợp
khẩn cấp.
4.Người bị bắt.
5.Người bị tạm giữ.
6.Bị can.
7.Bị cáo.
8.Bị hại.
9.Nguyên đơn dân sự.
10.Bị đơn dân sự.
11.Người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan tới vụ án.
12.Người làm chứng.
13.Người chứng kiến.
14.Người giám định.
15.Người định giá tài sản.
16.Người phiên dịch, người dịch
thuật.
17.Người bào chữa.
18.Người bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của bị hại, đương sự.
19.Người bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố.
20.Người đại diện theo pháp luật
của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này.
Tuy nhiên trong số những người tham
gia tố tụng quy định như trên, chủ yếu những người sau đây tham gia tố tụng tại
phiên tòa hình sự:
1.Bị cáo.
2.Bị hại.
3.Nguyên đơn dân sự.
4.Bị đơn dân sự.
5.Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên
quan tới vụ án.
6.Người làm chứng.
7.Người giám định.
8.Người định giá tài sản.
9.Người phiên dịch, người dịch
thuật.
10.Người bào chữa.
11.Người bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của bị hại, đương sự.
12.Người đại diện theo pháp luật
của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của BLTTHS.
Việc quy định phân biệt những người
tham gia tố tụng trong BLTTHS 2015 được
thực hiện trên cơ sở nguyên tắc giải quyết dân sự trong vụ án hình sự. Tư cách
tố tụng được xác định về bản chất từ góc độ tố tụng hình sự và tố tụng dân sự.
Theo quy định của BLTTHS, về bản chất pháp lý, có một số người tham gia với hai
tư cách tố tụng, tùy theo từng lĩnh vực giải quyết vấn đề là hình sự hay dân
sự, cụ thể:
Trong trường hợp bị cáo phải bồi thường
thiệt hại cho bị hại hoặc nguyên đơn, thì người đó tham gia tố tụng với hai tư
cách: Bị cáo (trong lĩnh vực hình sự) và Bị đơn dân sự (trong lĩnh vực tố tụng
dân sự);
Trong trường hợp Bị hại được bồi thường
thiệt hại, thì người đó tham gia với hai tư cách: Bị hại (trong lĩnh vực hình
sự) và Nguyên đơn dân sự (trong lĩnh vực tố tụng dân sự).
Trong các trường hợp này, căn cứ
vào quy định tại BLTTHS Tòa án sẽ xác định tư cách tố tụng có quyền và nghĩa vụ
bao trùm hơn, đảm bảo lợi ích của người đó cao hơn, đó là bị cáo trong trường
hợp thứ nhất và bị hại trong trường hợp thứ hai.
2.Căn cứ để xác định tư cách tố
tụng tại phiên tòa hình sự
Để xác định đúng tư cách tố tụng
tại phiên tòa từ thực tiễn xét xử thông thường được thực hiện theo các căn cứ
sau:
– Quy định của BLTTHS về những người
tham gia tố tụng: Về Bị cáo (Điều 61), Bị hại (Điều 62), Nguyên đơn dân sự (Điều
63), Bị đơn dân sự (Điều 64), Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án
(Điều 65)…
– Quy định của BLTTHS về việc bồi
thường hay trả lại tài sản; quy định của BLDS về việc bồi thường thiệt hại. Ví
dụ, trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ
gây thiệt hại…
– Bản chất của tội phạm được thực
hiện. Tùy theo khách thể của tội phạm, đối tượng của tội phạm, chủ thể của tội
phạm là ai mà xác định có bị hại hay không; có bồi thường ngoài hợp đồng hay
không và bồi thường như thế nào; ai là nguyên đơn, bị đơn dân sự… Vì vậy, định
tội danh đúng là điều kiện rất quan trọng để xác định đúng tư cách tố tụng
trong vụ án.
3.Xác định tư cách tố tụng của một
số người chủ yếu tham gia tố tụng tại phiên tòa
3.1. Bị can, bị cáo
Theo quy định của BLTTHS trong quá
trình giải quyết vụ án hình sự, từ khi Tòa án thụ lý vụ án, người bị buộc tội
tham gia tố tụng với hai tư cách:
– Bị can: Kể từ khi nhận hồ sơ, thụ
lý vụ án cho đến khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử;
– Bị cáo: Kể từ khi có Quyết định đưa
vụ án ra xét xử.
Tại Điều 284 BLTTHS quy định trong
giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án có thể yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài
liệu, chứng cứ mà không cần phải trả hồ sơ điều tra bổ sung; đồng thời, theo Điều
60 BLTTHS thì nghĩa vụ bị can là “Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người
có thẩm quyền tiến hành tố tụng”, khác với bị cáo là “Chấp hành quyết định, yêu
cầu của Tòa án” theo Điều 61 BLTTHS. Vì vậy, vấn đề đặt ra trong trường hợp này
là Viện kiểm sát có quyền triệu tập, hỏi cung bị can hay không? Nếu có thì ai
là người quyết định? Theo quan điểm của tác giả, qua nghiên cứu các quy định
của BLTTHS thấy, trong trường hợp này, Viện kiểm sát không có quyền triệu tập,
lấy lời khai của bị can vì nếu thấy cần thiết, Viện kiểm sát sẽ tiến hành hỏi
tại phiên tòa.
3.2. Bị hại
Theo quy định của Điều 62 BLTTHS, “
Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc
là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe
dọa gây ra”.
Theo quy định của BLTTHS năm 2003
thì bị hại chỉ có thể là cá nhân hoặc là người đại diện hợp pháp của người đó,
so với BLTTHS năm 2003 BLTTHS năm 2015 đã quy định mới về bị hại, theo đó bị
hại bao gồm cả các nhân, cơ quan, tổ chức;
Để phân biệt bị hại với nguyên đơn
dân sự, chúng ta cần xác định bị hại trực tiếp bị thiệt hại khác với nguyên đơn
dân sự, bị hại bị tội phạm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại trực tiếp
hay nói cách khác đối tượng mà tội phạm hướng tới là bị hại. Từ thực tiễn cho
thấy có quan điểm cho rằng đối với cơ quan, tổ chức là bị hại thì không nhất
thiết phải bị thiệt hại trực tiếp, mà có thể bị thiệt hại gián tiếp.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tác
giả nếu hiểu như vậy thì rất khó để phân biệt bị hại với nguyên đơn dân sự
trong vụ án hình sự khi cơ quan, tổ chức bị gây thiệt hại. Đây là những quy định
mới để phân biệt bị hại với nguyên đơn dân sự, với người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan đến vụ án. Bị hại bị tội phạm gây thiệt hại trực tiếp có nghĩa là
thiệt hại của bị hại phải là đối tượng tác động của tội phạm, tức là phải có
mối liên hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hậu quả của tội phạm; nguyên đơn
bị tội phạm gây thiệt hại gián tiếp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bị
hại không bị tội phạm gây thiệt hại gián tiếp. Cùng với thiệt hại trực tiếp do
tội phạm gây ra, bị hại còn có thể bị gây thiệt hại gián tiếp nữa. Ví dụ: Bị hại
trong tội cố ý gây thương tích, ngoài thiệt hại trực tiếp về tổn thương cơ thể,
chi phí điều trị, tổn thất về tinh thần; còn có thể bị gây thiệt hại gián tiếp
như thu nhập bị mất, giảm sút…
3.3. Nguyên đơn dân sự
Theo quy định của Điều 63 BLTTHS
thì “Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm
gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Để phân biệt giữa bị hại và nguyên đơn
dân sự chúng ta có thể dựa vào các đặc điểm như sau:
– Bị hại bị tội phạm gây thiệt hại
trực tiếp, và có thể cả gián tiếp; còn nguyên đơn dân sự chỉ bị tội phạm gây
thiệt hại gián tiếp. Mặc dù Điều 63 BLTTHS không quy định thiệt hại gián tiếp,
nhưng điều này xuất phát từ quy định về bị hại tại Điều 62 BLTTHS;
– Do bị thiệt hại gián tiếp, nên để
được bồi thường thiệt hại, nguyên đơn phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại đây
là quy định bắt buộc đối với nguyên đơn dân sự, tức là phải có đơn yêu cầu bằng
văn bản hoặc thể hiện trong biên bản ghi lời khai thể hiện yêu cầu bồi thường
thiệt hại gửi đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Như vậy, tham gia tố
tụng là quyền, chứ không phải là nghĩa vụ của nguyên đơn dân sự. Nếu không muốn
thực hiện quyền tham gia tố tụng, cá nhân, cơ quan, tổ chức chỉ cần không làm đơn
yêu cầu hoặc không yêu cầu bồi thường thiệt hại. Còn nếu cơ quan tiến hành tố
tụng muốn họ tham gia tố tụng nhằm làm sáng tỏ tình tiết vụ án thì triệu tập
với tư cách là người làm chứng, nếu thỏa mãn các dấu hiệu của người làm chứng;
– Nếu bị hại có các quyền, nghĩa vụ
tố tụng liên quan đến việc giải quyết vụ án cả về hình sự và dân sự; thì nguyên
đơn dân sự chỉ có các quyền, nghĩa vụ tố tụng liên quan đến việc bồi thường.
Do đó để xác định tư cách tố tụng đúng,
cần làm rõ trong vụ án cá nhân, cơ quan, tổ chức bị tội phạm gây thiệt hại trực
tiếp hay gián tiếp để từ đó thực hiện các thủ tục tiếp theo.
3.4. Bị đơn dân sự
Theo Điều 64 BLTTHS, “Bị đơn dân sự
là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường
thiệt hại”.
Theo khái niệm trên thì bị đơn dân
sự không liên quan gì đến hành vi phạm tội của bị can, bị cáo nhưng trong vụ án
mà tội phạm có gây thiệt hại và phải bồi thường, như một số trường hợp người
phạm tội không có năng lực hành vi dân sự, để đảm bảo lợi ích cho người bị
thiệt hại hoặc các đảm bảo xã hội khác… thì pháp luật quy định cá nhân, cơ
quan, tổ chức khác phải có trách nhiệm bồi thường thay cho người phạm tội. Ví
dụ: Cha mẹ bồi thường cho người dưới 16 tuổi phạm tội không có tài sản riêng
gây thiệt hại; chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ bồi thường trong trường hợp
nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại…
3.5. Người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan đến vụ án
Điều 65 BLTTHS quy định “Người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền
lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”.
Từ khái niệm trên có thể thấy người
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án bao gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Theo nhận thức chung thì người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có các đặc
điểm là họ không liên quan gì đến hành vi phạm tội được thực hiện; nhưng quyết định
của Tòa án lại liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan đến vụ án có 9 quyền (từ điểm a đến điểm i, khoản 2 Điều 65
BLTTHS) và có 03 nghĩa vụ (điểm a, b, c khoản 3 Điều 65 BLTTHS).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên
quan đến vụ án là người không tham gia thực hiện tội phạm và Tòa án phải giải
quyết quyền lợi, tài sản của họ vì liên quan đến vụ án hình sự. Những người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thường là chủ sở hữu tài sản, nhưng tài
sản đó lại có trong tay người phạm tội; hoặc người được người phạm tội giao cho
tài sản, mà tài sản đó là do phạm tội mà có…Ví dụ: H mượn xe máy của K đi chơi
và sử dụng xe thực hiện hành vi cướp giật. Trong trường hợp này, việc Tòa án
quyết định tịch thu hay không tịch thu chiếc xe liên quan đến lợi ích của K. Vì
vậy, K là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Việc không liên
quan gì đến tội phạm là dấu hiệu phân biệt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên
quan với những người tham gia tố tụng khác. Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa người
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án với những người có hành vi phạm tội
nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc vì có lý do nào đó mà
không bị truy cứu trách nhiệm hình sự như trường hợp được miễn trách nhiệm hình
sự… Theo quy định của BLTTHS thì những người này có thể được Tòa án triệu tập
với tư cách là người làm chứng./.