TIỂU LUẬN: Bàn về điều tra viên cơ quan điều tra viện kiểm sát nhân dân tối cao

 

TIỂU LUẬN: BÀN VỀ ĐIỀU TRA VIÊN CƠ QUAN ĐIỀU TRA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO



A.   MỞ ĐẦU

Trong hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, Cơ điều tra được tổ chức, thuộc bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát quân sự trung ương. Cơ quan điều tra VKSNDTC có Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên và các chức danh khác. Trong đó, Điều tra viên là chức danh tư pháp chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thẩm quyền, nhiệm vụ của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong nhiều năm qua, điều tra viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang dần khẳng định được vị trí và vai trò của mình trên con đường phát hiện, xử lý và đấu tranh với tôi phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Cũng chính qua những hoạt động đó cũng trên thực tiễn cũng bộc lộ không ít những quy định còn hạn chế về Điều tra viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về trình độ năng lực và điều kiện thi hành chức danh của điều tra đó. Do đó em xin được lựa chọn chủ đề: “Điều tra viên cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao – những vấn đề lý luận và thực tiễn” để phân tích và đưa ra kiến nghị của mình về vấn đề trên.

 

A.   NỘI  DUNG

I.               LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐIỀU TRA VIÊN CƠ QUAN ĐIỀU TRA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

1.    Chức danh điều tra viên

Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. Điều tra viên của Viện kiểm sát nhân dân là chức danh quan trọng,là chủ thể trực tiếp thực hiện vai trò điều tra được quy định cho cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tại khoản 1 điều 45 luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định: “Điều tra viên là người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ điều tra hình sự”. Như vậy qua chức năng của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và khái niệm về điều tra viên theo quy định của luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 có thể hiểu điều tra viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là những người được bổ nhiệm là nhiệm vụ điều tra hình sự đối với các tội xâm phạm hoạt động tư pháp tại Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân tối cao.

Điều tra viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng tương tự như các điều tra viên khác bao gồm 3 ngạch: Điều tra viên sơ cấp, điều tra viên trung cấp và điều tra viên cao cấp

Điều tra viên là một chức danh tư pháp theo đó nhiệm kỳ của điều tra viên cũng giống như các chức danh tư pháp khác được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 5 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm.


2.    Nhiệm vụ, quyền hạn

Là người làm việc trong một trong những cơ quan có nhiệm vụ điều tra nên ngoài việc tuân thủ theo các quy định của luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 , điều tra viên của cơ quan điều tra còn phải trực tiếp chịu sự điều chỉnh của các quy định tại luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015.

Do đó căn cứ vào điều 30 luật Tổ chức cơ quan Điều tra hình sự 2015 quy định  về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, điều 53 quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của điều tra viên và Điều 92 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Điều tra viên của viện kiểm sát nhân dân tối cao có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

-        Điều tra viên được tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và các hoạt động điều tra thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra theo sự phân công của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra

-        Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự khi đang được phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra vụ án hình sự, tiến hành Điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan Điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.

-        Điều tra viên có trách nhiệm áp dụng các biện pháp theo quy định của BLTTHS và pháp luật khác có liên quan để điều tra, xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ

-        Điều tra viên phải tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra

-        Điều tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong các trường hợp BLTTHS quy định

-        Chấp hành quy định của pháp luật về những việc cán bộ, công chức không được làm

-        Điều tra viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra về hành vi, quyết định của mình

-        Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, Điều kiện làm phát sinh tội phạm.

-        Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác Điều tra, xử lý tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Như vậy, về nhiệm vụ, quyền hạn có thể thấy nhìn chung Điều tra viên của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao không có nhiều sự khác biệt đối với các điều tra viên của các cơ quan điều tra khác, đều có những nhiệm vụ quyền hạn chung được quy định theo luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015. Ngoài ra còn có những nhiệm vụ mang tính đặc thù của mỗi cơ quan ở phạm vi hoạt động của mình. Điều tra viên của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có phạm vi hoạt động hẹp hơp so với điều tra viên thông thường, phần lớn các hoạt động chỉ tập trung điều tra, xử lí các công việc liên quan đến tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Do đặc thù này nên đối tượng điều tra của Điều tra viên cũng bó hẹp hơn trong phạm vi những người thực hiện các công việc liên quan đến sự hoạt động khách quan, nghiêm minh, trong sạch của hệ thống tư pháp nước ta như: những chủ thể làm việc tại Tòa án , Viện kiểm sát, các cơ quan điều tra khác, chứ không hướng tới toàn bộ các chủ thể khác trong xã hội.

3.    Tiêu chuẩn bổ nhiệm

Tiêu chuẩn bổ nhiệm của Điều tra viên của VKSND tuân thủ theo quy định chung  và quy trình bổ nhiệm Điều tra viên được quy định tại luật Tổ chức cơ quan điều tra 2015.Theo quy định tại Điều 46 Luật tổ chức cơ quan Điều tra hình sự năm 2015 để là điều tra viên phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chung sau:

1. Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

2. Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên.

3. Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của Luật này.

4. Đã được đào tạo về nghiệp vụ điều tra.

5. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao

Tiêu chuẩn chung cho điều tra viên vẫn còn mang tính lý thuyết cao, vẫn còn quy định chung chung chưa cụ thể rõ ràng. Quy định này vừa để thích hợp với đặc thù của mỗi cơ quan điều tra khác nhau tuy nhiên cũng đem lại nhiều thắc mắc và băn khoăn trong việc hiểu luật. Ví dụ như quy định tại khoản 1 về bản lĩnh chính trị vững vàng hay tại khoản 5 về việc có sức khỏe để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, vậy phải căn cứ vào đâu để đánh giá là đã đạt được chuẩn quy định này cũng là vấn đề khiến nhiều người còn vướng mắc.

Điều tra viên là chức danh tư pháp được chia thành 3 ngạch như Kiểm sát viên đó là :

-        Điều tra viên sơ cấp

-        Điều tra viên trung cấp

-        Điều tra viên cao cấp

Như vậy ngoài tiêu chuẩn chung tùy vào mỗi ngạch mà tiêu chuẩn bổ nhiệm của Điều tra viên mỗi ngạch sẽ được nâng lên theo những mức nhất định. Căn cứ Quy định tại Điều 47, 48, Điều 49 Luật tổ chức cơ quan Điều tra hình sự năm 2015 có các tiêu chuẩn bổ nhiệm như sau:

Đối với điều tra viên sơ cấp: cần đảm bảo thời gian công tác pháp luật từ 04 năm trở lên; có năng lực điều tra các vụ án thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng; đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên sơ cấp

Đối với điều tra viên trung cấp:  đã là điều tra viên sơ cấp ít nhất 5 năm; có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; có khả năng hướng dẫn các hoạt động Điều tra của Điều tra viên sơ cấp;  đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên trung cấp.

 Ngoài ra, trường hợp do nhu cầu cán bộ của Cơ quan Điều tra, người đã đáp ứng được các tiêu chuẩn chung cho điều tra viên và đáp ứng một số điều kiện khác như có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; có khả năng hướng dẫn các hoạt động Điều tra của Điều tra viên sơ cấp;  đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên trung cấp, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 09 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên trung cấp chứ không cần tuân thủ quy định về thời gian làm điều tra viên sơ cấp nữa.

Đối với điều tra viên cao cấp :  đã là Điều tra viên trung cấp ít nhất 05 năm; có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất biện pháp phòng, chống tội phạm; có khả năng hướng dẫn các hoạt động Điều tra của Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp; đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên cao cấp.

          Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của Cơ quan Điều tra, người tuy không đáp ứng được quy định về thời gian làm điều tra viên trung cấp nhưng đáp ứng được các điều kiện còn lại và  đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 14 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên cao cấp.

Như vậy có thể thấy tiêu chuẩn để bổ nhiệm điều tra viên tăng dần theo các ngạch, ngạch càng cao thì yêu cầu về trình độ nghiệp vụ, sự tích lũy kinh nghiệm, thời gian công tác càng phải tăng cao. Để là điều tra viên nói chung hay là điều tra viên của VKSND thì thông thường đều phải trải qua kỳ thi tuyển điều tra viên của Hội đồng thi tuyển. Đối với Điều tra viên của VKSND sẽ trải qua kỳ thi tuyển của Hội đồng thi tuyển Điều tra viên ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có Chủ tịch là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ định; các ủy viên là đại diện Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Cơ quan Điều tra và Vụ Tổ chức Cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Danh sách uỷ viên Hội đồng thi tuyển Điều tra viên ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thi tuyển.

Việc thông qua kỳ thi tuyển tạo nên sự khách quan, công bằng trong việc lựa chọn, đánh giá đúng những người có năng lực đảm nhiệm công tác điều tra cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên không phải bất kỳ trường hợp nào cũng phải trở qua thi tuyển mới có thể trở thành Điều tra viên trung cấp và Điều tra viên cao cấp. Luật có quy định trong những trường hợp đặc biệt, tuy không đáp ứng được những tiêu chuẩn về thời hạn công tác, chưa được đào tạo về nghiệp vụ nhưng nếu đáp ứng được các điều kiện còn lại thì vẫn có thể được bổ nhiệm làm điều tra viên cho hai ngạch trên. Đây là sự linh động  của luật pháp, trọng dụng được người có năng lực trong những trường hợp đặc biệt nhưng bên cạch đó cũng đặt ra các câu hỏi khác về sự nhạy bén, sắc sảo trong công tác và chuyên môn nghiệp vụ của những người được bổ nhiệm theo diện này. Mặt khác việc quy định các trường hợp đặc biệt cũng không được quy định một cách rõ ràng có thể dẫn đến việc lạm dụng quy định này trên thực tiễn.

4.    Sự khác biệt giữa Điều tra viên của VKSND và Điều tra viên của CQĐT

Mặc dù đều là chức danh điều tra viên và có nhiều điểm chung nhất định những giữa điều tra viên của VKSND và điều tra viên của CQĐT vẫn có những khác biệt nhất định về mặt lý luận, nhiệm vụ và hoạt động thực tiễn mà cần phải nắm để từ đó có cái nhìn tổng quát nhất về điều tra viên của các cơ quan. Có thể theo dõi sự khác nhau cơ bản giữa điều tra viên của hai cơ quan thông qua một số tiêu chí so sánh sau:

 

ĐTV CQĐT CAND

ĐTV CQĐT VKSNDTC

Vị trí

Là biên chế ngành CAND: gồm CSĐT và ANĐT (điều 5 Luật điều tra HS 2015)

 

Là biên chế ngành KSND: Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao (cục 6)

Thẩm quyền

Điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan Điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.(38 tội danh)

Bổ nhiệm

Bổ nhiệm ĐTV trong hệ thống CQĐT thuộc lực lượng CAND: CQĐT trong lực lượng CAND chia làm hai cấp là các CQĐT thuộc Bộ Công an và các CQĐT địa phương (cấp tỉnh, huyện), nên có hai Hội đồng tuyển chọn ĐTV.

 

Bổ nhiệm ĐTV trong CQĐT của VKSND tối cao:Hội đồng tuyển chọn ĐTV do một Phó Viện trưởng VKSNDtối caolàm Chủ tịch, đại diện Ủy ban kiểm sát VKSNDTC, đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát Quân sự trung ương, CQĐT và Vụ Tổ chức - cán bộ VKSNDTC ủy viên.

Chế độ lương, phụ cấp,…

Căn cứ Quyết định số 91/2009/QĐ-TTg, ngày 06/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Tức là ở đây phải tuân theo quy định trong ngành CAND

Căn cứ Quyết định số 138/2005/QĐ-TTg "Về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên và Kiểm tra viên ngành Kiểm sát". Tức ở đây phải tuân theo quy định trong ngành KSND.

Trình độ chuyên môn

Có trình độ là đại học An ninh, Đại học cảnh sát

Thường là cử nhân luật

 

 

II.            THỰC TIỄN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐIỀU TRA VIÊN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO – HẠN CHẾ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐIỀU TRA VIÊN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

1.    Thực tiễn hoạt động của điều tra viên

a.    Thành quả đạt được

Không thể phủ nhận kể từ khi được thành lập,trải qua nhiều sự thay đổi, Cơ quan điều tra của VKSND đạt được nhiều thành tự nhất định trong việc thực hiện vai trò, nhiệm vụ của mình trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Trải qua nhiều vụ án Cơ quan điều tra của VKSND đã chứng minh được vai trò của mình là thanh bảo kiếm bảo vệ sự hoạt động nghiêm minh trong sạch của các cơ quan tư pháp được thể hiện qua các số liệu sau:

Từ năm 2003 đến năm 2009, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát đó tiếp nhận 2192 tin, trong đó có 450 tin về xâm phạm hoạt động tư pháp; đó khởi tố 70 vụ/95 bị can (chủ yếu là các vụ án về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp).

Từ năm 2010 đến nay, thực hiện Điều 4 Quy chế 1169/2010 ngày 19/8/2010 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Cơ quan điều tra VKSNDTC đó tiếp nhận tổng số 2677 thông tin vi phạm, tội phạm. Qua phân loại, xử lý xác định 595 tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết. Trong đó, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao khởi tố, thụ lý tổng số 169 vụ/ 206 bị can. Trong đó, ngành Công an: 82 vụ/ 130 bị can (Chiếm 48,5 % số vụ; 63% số bị can); ngành Kiểm sỏt: 10 vụ/ 13 bị can (Chiếm  5,9  % số vụ; 6,3 % số bị can); ngành Tòa án: 33 vụ/28 bị can (Chiếm  19,5 % số vụ; 13,3% số bị can); ngành Thi hành ỏn: 37 vụ/ 32 bị can (chiếm 21,9 % số vụ; 16 % số bị can); ngành khác: 07 vụ/ 03 bị can (Chiếm 4,2 % số vụ; 1,4% số bị can). Về cơ cấu tội phạm: Tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp: 74 vụ /97 bị can; Tội phạm về tham nhũng, chức vụ và tội phạm khác trong quá trình thực hiện cỏc hoạt động tư pháp: 95 vụ/ 109 bị can  (Tội phạm về tham nhũng, chức vụ: 86 vụ/103 bị can).

Quá trình khởi tố và thụ lý điều tra, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao luôn tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, đảm bảo việc điều tra và lập hồ sơ xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Không có vụ án nào phải đình chỉ điều tra vì bị can không phạm tội hoặc  đề nghị truy tố mà Tòa án tuyên không phạm tội. Không có vụ án nào bị hủy án để điều tra lại. Số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung chiếm tỷ lệ thấp. Trong đó đó phỏt hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm; ví dụ như:

- Vụ án Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên và Phạm Văn Út bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang do có hành vi sử dụng tiền tang vật trong vụ án để gửi ngân hàng thu lợi hơn 1,2 tỷ đồng.

Ngày 24/6/2013, Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang đó tuyờn phạt bị cáo Ngô Thanh Phong 03 năm tù giam; bị cáo Phạm Văn Út 01 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trong quá trình điều tra vụ án trên, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao còn phát hiện một số hành vi vi phạm nhưng chưa được xử lý nên đã khởi tố 02 vụ án có liên quan chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng để điều tra giải quyết.

Cùng với việc chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra VKSNDTC đó đặc biệt chú trọng và tích cực phát hiện, xác định nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm, tội phạm để kiến nghị đến các cơ quan hữu quan có biện pháp xử lý và phòng ngừa. Trong thời gian từ 2010 đến nay, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đó ban hành 198 bản kiến nghị đến các cơ quan tư pháp Trung ương và địa phương để xử lý và phòng ngừa vi phạm, tội phạm, trong đó 107 kiến nghị đến ngành Công an (chiếm 54,1%), 41 kiến nghị đến ngành Tòa án (chiếm 20,7%), 20 kiến nghị đến ngành Thi hành án dân sự (chiếm 10,1 %), 23 kiến nghị đến ngành Kiểm sát (chiếm 11,6 %)và 07 kiến nghị đến ngành khác (chiếm 3,5%). Các kiến nghị đều được các cơ quan hữu quan tiếp thu và thực hiện.[1] Để đạt được những thành tựu này là cả một quá trình đấu tranh không mệt mỏi của cả một hệ thống các cơ quan nhà nước nói chung, và của cơ quan điều tra mà trong đó vai trò chủ chốt phải kể đến sự tận tụy, nhiệt tình hết lòng của các điều tra viên cơ quan điều tra VKSND

b.    Hạn chế, tồn tại

Tuy nhiên, chính thông qua hoạt động thực tiễn mà cũng bộc lộ nhiều điểm còn hạn chế, tồn tại đến từ nhiều nguyên nhân như chính sách pháp luật, trình độ chuyên môn, sự phối hợp của các cơ quan còn lỏng lẻo, hạn chế.

Về mặt pháp lý, các quy định về hoạt động, nhiệm vụ của điều tra viên VKSND còn chưa cụ thể , rõ ràng, trong nhiều trường hợp còn có sự chồng chéo giữa thẩm quyền giữa các cơ quan điều tra. Các quy định về việc tiếp nhận tin báo và xử lý tố giác tội phạm cũng còn hạn chế đối với cơ quan điều tra, sự kết hợp giữa các cơ quan khác còn chưa đem lại hiệu quả cao, trong nhiều trường hợp còn mang tính hình thức.

Mặt khác, các quy định về bổ nhiệm, thi tuyển còn chưa chặt chẽ sẽ là lỗ hổng trong việc thi tuyển, lựa chọn người tài để phục vụ cho cơ quan điều tra. Số lượng và chất lượng của  điều tra viên cũng là điểm cần khắc phục. Đơn cử như: Về cán bộ lãnh đạo Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thời điểm này gồm có: Cục trưởng và 5 Phó Cục trưởng; 5 Trưởng phòng, 8 Phó Trưởng phòng và 16 Đội Trưởng Đội nghiệp vụ, trong đó có 33 Điều tra viên các cấp (15 Cao cấp, 16 Trung cấp và 2 Sơ cấp). Về trình độ có 2 Tiến sỹ luật, 7 Thạc sỹ luật, 28 Cử nhân luật, 5 Cử nhân chuyên ngành khác, 8 đồng chí tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân. Từ đó đến nay, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã tiếp nhận tổng số 2677 thông tin vi phạm, tội phạm, qua phân loại, xử lý xác định 595 tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết và đã khởi tố, thụ lý tổng số 169 vụ/ 206 bị can.[2] Với số lượng công việc lớn nhưng số lượng điều tra viên hạn chế đã gây khó khăn rất lớn cho quá trình thực thi nhiệm vụ của các điều tra viên.Cùng với đó, sự ra đời của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra năm 2015 đã phạm vi thẩm quyền của cơ quan điều tra VKSNDTC đã mở rộng hơn rất nhiều. Về số lượng tội phạm, trước đây CQĐT VKSNDTC chỉ tiến hành điều tra đối với một số loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, đến nay, có thẩm quyền điều tra với 38 tội danh gồm tất cả các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp quy định tại Chương XXIV BLHS năm 2015 và các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định tại Chương XXIII BLHS năm 2015. Theo đó, chủ thể phạm tội thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSNDTC cũng tăng lên.

Không chỉ vậy trình độ, chất lượng của các điều tra viên hiện nay còn hạn chế. Các điều tra viên chủ yếu là những kiểm sát viên dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra nhưng lại không được đào tạo một cách bài bản về nghiệp vụ điều tra đây có thể xem là hạn chế rất lớn của điều tra viên VKSND. Trong khi đó, các đối tượng của hoạt động điều tra lại là những người công tác trong lĩnh vực tư pháp, hiểu biết pháp luật sâu sắc, rất nhiều thủ đoạn để đối phó với CQĐT. Điều tra viên không trải qua một quá trình đào tạo bài bản nhiều năm như điều tra viên của điều tra viên của CQĐT khác.  Nhiều điều tra viên khi tiến hành công vụ còn nể nang, dễ bị tác động bởi sức ép bởi mối quan hệ của đối tượng bị điều tra với những người có địa vị cao trong cơ quan nhà nước dẫn đến kết quả điều tra chưa phản ánh đúng sự thật khách quan.  Chế độ lương, phụ cấp đối với điều tra viên chưa được đảm bảo dẫn đến không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cho CQĐT, không đảm bảo cho các điều tra viên yên tâm tham gia công tác.

Trên thực tiễn, các điều kiện để Điều tra viên VKSND thực hiện nhiệm vụ của mình cũng còn hạn chế như việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho điều tra viên. Trước đây, theo quy định của Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng có phần hạn chế hơn so với Điều tra viên của CQĐT, những điều kiện để đảm bảo về lực lượng bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho những điều tra viên này cũng chưa thực sự được chú trọng. Mặt khác,  CQĐT VKSND tối cao không có hệ thống nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam do mình quản lý do đó bị can vẫn phải gửi giam giữ tại trại tạm giam của Bộ quốc phòng. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều tra của điều tra viên khi việc hỏi cung, đối chất, thực nghiệm điều tra hay nhận dạng tiến hành một cách thụ động nhất là không thể đáp ứng những trường hợp tiến hành hỏi cung đột xuất, nhiều trường hợp không thể đảm bảo được bí mật điều tra cũng như đảm bảo an toàn cho bị can, bị cáo. Nó chính là nền tảng, căn cơ cho việc bị can, bị cáo bị bức cung, nhục hình, mớm cung,… các vi phạm nghiêm trọng khác trong việc điều tra như quản lí lỏng lẻo, giúp đỡ phạm nhân bỏ trốn,..

Hơn nữa, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước cần có sự chế ước, giám sát giữa các cơ quan quyền lực, tuy nhiên trên thực tế khi thực hiện hoạt động của mình, các điều tra viên còn bị vấp phải nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức của người hành nghề, còn xảy ra vấn đề vi phạm pháp luật, tham nhũng trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình mà chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ từ các cơ quan khác, khiến hoạt động của điều tra viên vẫn chưa thực sự hiệu quả cao.

2.    Kiến nghị khắc phục hạn chế

Để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như phát huy tối đa toàn lực của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao nói chung và Điều tra viên của VKSND nói riêng cần phải khắc phục những điểm còn hạn chế trên tất cả các mặt:

Thứ nhất, tạo sự thống nhất và các chế định pháp lý hoàn chỉnh để là nền tảng lý luận vững chắc để có thể tiến hành hoạt động của Điều tra viên trên thực tế. Cần có những quy định cụ thể chi tiết hơn cũng như củng cố thêm về thẩm quyền và các điều kiện hỗ trợ cho Cơ quan điều tra VKSND để đảm bảo điều kiện thực hiện trên thực tế. Mặt khác trên con đường cải cách tư pháp cũng cần cân nhắc đến những yếu tố xung quanh như sự quản lí trại giam, cơ chế giám sát để có sự điều chỉnh phù hợp hơn với xã hội, vừa không làm mất đi tính độc lập của các cơ quan mà vẫn có sự giám sát, điều chỉnh từ các cơ quan khác tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm hoặc các hoàn cảnh không khách quan khác. CQĐT VKSNDTC cần được tổ chức lại theo mô hình hiệu quả hơn trong đó CQĐT được tổ chức tập trung, thống nhất ở VKSND tối cao và có nhiều hơn các thường trực CQĐT ở các tỉnh, thành phố, để vừa bảo đảm việc phát hiện và phân loại, xử lý thông tin tội phạm được kịp thời, chính xác; việc điều tra xử lý tội phạm đảm bảo thời hạn tố tụng, phát huy sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống VKSND, vừa bảo đảm hoạt động độc lập, chỉ huy thống nhất của Thủ trưởng CQĐT và chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao. Lực lượng điều tra viên của VKSNDTC cần được tăng cường số lượng và phân bổ đều về các khu vực, địa phương để kịp thời phát hiện, điều tra xử lý trong phạm vi thẩm quyền các tội phạm tư pháp, tham nhũng tại các đơn vị hành chính trên cả nước.

Thứ hai, Đội ngũ Điều tra viên cần được bổ sung về số lượng để có thể đảm bảo nguồn nhân lực cần thiết cho thực hiện nhiệm vụ đặc thù phức tạp. Cần phải thay đổi chính sách thu hút cũng như đào tạo nhân lực chất lượng cao cho CQĐT VKSND. Chế độ lương, phụ cấp đối với điều tra viên cần được cải thiện để thu hút nguồn nhân lực chất lượng. Để làm được điều đó, cần phải làm cho toàn thể xã hội hiểu được vai trò của Viện kiểm sát trong việc bảo vệ nhà nước, xã hội chủ nghĩa, quyền con người và quyền công dân; có như vậy mới thu hút được sức dân tạo nguồn tài chính hợp lý cho ngành.

Thứ ba, nâng cao trình độ khả năng của điều tra viên bằng cách xây dựng những chương trình đào tạo nghiệp vụ điều tra đặc thù phù hợp cho cán bộ điều tra ngành kiểm sát nhân dân bởi nhiệm vụ đối với các tội phạm đặc thù của chúng ta. Đồng thời điều tra viên phải được đào tạo bài bản để có sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn các quy định của pháp luật ở nhiều lĩnh vực, có bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ vững vàng, có kinh nghiệm điều tra mới đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm tư pháp.

Thứ tư, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các Viện kiểm sát các cấp trong ngành cũng như sự phối hợp hoạt động liên ngành với các cơ quan khác nhằm nâng cao khả năng phát hiện, điều tra và xử lý kịp tội phạm. Do lực lượng của CQĐT VKSNDTC còn mỏng và yếu nên việc phối hợp trong ngành và liên ngành cũng là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả xử lý các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và các tội phạm tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp. Bởi đây là những tội phạm đặc thù, khó phát hiện, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, CQĐT VKSNDTC cần có sự giúp đỡ của toàn thể ngành và các cơ quan khác.

B.   KẾT LUẬN

Có thể nói, hoạt động điều tra là một quyền năng quan trọng và được ví như “quyền công tố nối dài” của Viện kiểm sát; không thể bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nếu không có hoạt động điều tra trực tiếp. Trước yêu cầu của cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và đấu tranh phòng, chống các tội phạm nói chung và tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp nói riêng thì Cơ quan điều tra VKSNDTC ngày càng phải được củng cố, tăng cường để bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát và đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời với đó Điều tra viên càng phải nỗ lực nâng cao nghệp vụ, hoàn thành trọng trách của mình để xứng đáng với lòng tin yêu và nhiệm vụ mà nhân dân đã giao phó. Củng cố lòng tin của nhân dân vào nhà nước,góp phần xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh.

C.   TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

2.    Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015

3.    Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2015

4.    Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017

5.    Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2011

6.    Tập bài giảng Lý luận chung về VKS và công tác kiểm sát – Trường ĐHKSHN

7.    Giáo trình đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tập 1- Trường ĐHKSHN - 2017

8.    Bài viết “Cơ quan điều tra VKSNDTC 55 năm xây dựng và trưởng thành” của tác giả Vũ Đăng Khoa, Kiểm sát viên, VKSNDTC, Thủ trưởng CQĐT VKSNDTC, TCKS số 8/2017

9.    Bài viết “Đổi mới tổ chức, hoạt động của CQĐT VKSNDTC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” của tác giả TS. Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC, TCKS số 8/2017.

10. Bài viết “Hoạt động điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo yêu cầu cải cách tư pháp”- TS Nguyễn Thị Quỳnh Chi, ngày 12/11/2014

11. Tài liệu Hội thảo “ Công tác điều tra của CQĐT VKSND” – TS Nguyễn Xuân Hưởng

12. http://tks.edu.vn/WebThongTinKhoaHoc/Detail/148?idMenu=120

13. http://www.kiemsat.vn/dieu-tra-vien-vien-kiem-sat-nhan-dan-toi-cao.html

14. http://canhsatnhandan.vn/Home/Nghien-cuu-Trao-doi/778/Hoan-thien-quy-dinh-ve-moi-quan-he-giua-Co-quan-dieu-tra-va-Vien-kiem-sat-trong-to-tung-hinh-su-Viet-Nam


 

MỤC LỤC

A.  MỞ ĐẦU.. 1

B.   NỘI  DUNG.. 1

I.    LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐIỀU TRA VIÊN CƠ QUAN ĐIỀU TRA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO.. 1

1.   Chức danh điều tra viên. 1

2.   Nhiệm vụ, quyền hạn. 2

3.   Tiêu chuẩn bổ nhiệm.. 4

4.   Sự khác biệt giữa Điều tra viên của VKSND và Điều tra viên của CQĐT.. 7

II.     THỰC TIỄN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐIỀU TRA VIÊN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO – HẠN CHẾ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐIỀU TRA VIÊN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO   9

1.   Thực tiễn hoạt động của điều tra viên. 9

a.   Thành quả đạt được. 9

b.   Hạn chế, tồn tại 11

2.   Kiến nghị khắc phục hạn chế. 13

C.  KẾT LUẬN.. 15

D.  TÀI LIỆU THAM KHẢO.. 16

 

 



[1] Bài viết: “Hoạt động điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo yêu cầu cải cách tư pháp”- TS Nguyễn Thị Quỳnh Chi, ngày 12/11/2014

 

[2] Bài viết “Cơ quan điều tra VKSNDTC 55 năm xây dựng và trưởng thành”- Vũ Đăng Khoa, Kiểm sát viên, VKSNDTC, Thủ trưởng CQĐT VKSNDTC, TCKS số 8/2017

 

Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn