1. Những vấn đề chung về hợp
đồng
Khái
niệm về hợp đồng dân sự cần phải được xem xét ở nhiều phương diện khác nhau. Theo
phương diện khách quan thì hợp đồng dân sự là do các quy phạm pháp luật của Nhà
nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình dịch
chuyển các lợi ích vật chất giữa các chủ thể với nhau.
Yêu
cầu của quá trình tiến hành tố tụng trong việc giải quyết các tranh chấp từ hợp
đồng, đòi hỏi cần phải có sự phân biệt rạch ròi giữa một hợp đồng thương mại
với một hợp đồng dân sự. Có thể nói rằng, hợp đồng thương mại và hợp đồng dân
sự như một cặp song sinh. Vì vậy, trong thực tế có rất nhiều hợp đồng không thể
phân biệt được là hợp đồng thương mại hay hợp đồng dân sự. Để có thể phân biệt
được hai loại hợp đồng này phải xác định được cụ thể mục đích của từng loại hợp
đồng. Nếu các bên chủ thể (hoặc ít nhất có một bên) tham gia hợp đồng với mục
đích thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng thì hợp đồng đó được xác định là hợp
đồng dân sự. Vì vậy, chỉ được coi là hợp đồng thương mại khi các bên chủ thể
tham gia đều nhằm mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, mục đích tham gia cũng chỉ là
một cơ sở mang tính tương đối trong việc phân biệt giữa hai loại hợp đồng vì
rằng có những hợp đồng cả hai bên đều mang mục đích kinh doanh nhưng không thể
coi đó là hợp đồng thương mại được nếu có một bên chủ thể là cá nhân không có
đăng ký kinh doanh.
2. Hình thức và thời điểm có
hiệu lực của hợp đồng
2.1.
Hình thức của hợp đồng.
Những
điều khoản mà các bên đã cam kết thỏa thuận phải được thể hiện ra bên ngoài
bằng một hình thức nhất định. Hay nói cách khác, hình thức của hợp đồng là
phương tiện để ghi nhận nội dung mà các chủ thể đã xác định. Tùy thuộc vào nội
dung, tính chất của từng hợp đồng cũng như tùy thuộc vào độ tin tưởng lẫn nhau
mà các bên có thể thỏa thuận lựa chọn một hình thức nhất định trong việc giao
kết hợp đồng cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Điều 119 BLDS năm 2015 thì
hình thức của hợp đồng (cũng là hình thức của giao dịch dân sự) bao gồm: (i)
Hình thức miệng (bằng lời nói); (ii) Hình thức viết (bằng văn bản); (iii) Hình
thức có công chứng, chứng thực, đăng ký.
2.2.
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng
Khi
hợp đồng đã có hiệu lực, các bên phải thực hiện các nghĩa vụ dân sự đã được xác
định từ hợp đồng đó. Trên cơ sở của hình thức đã giao kết mà hiệu lực của hợp
đồng được xác định theo từng thời điểm khác nhau. Về nguyên tắc, hợp đồng có
hiệu lực từ thời điểm giao kết. Tuy nhiên, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng
còn được xác định theo sự thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp
luật. Vì vậy, hợp đồng được coi là có hiệu lực vào một trong các thời điểm sau:
(i) Hợp đồng có hiệu lực tại thời điểm các bên đã trực tiếp thỏa thuận với nhau
về những nội dung chủ yếu của hợp đồng; (ii) Hợp đồng bằng văn bản thường, có
hiệu lực tại thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hợp đồng; (iii) Hợp đồng
bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký có hiệu lực tại thời điểm văn
bản hợp đồng được công chứng, chứng thực, đăng ký; (iv) Hợp đồng còn có thể có
hiệu lực sau các thời điểm nói trên nếu các bên đã tự thỏa thuận để xác định
hoặc trong trường hợp mà pháp luật đã quy định cụ thể. Ví dụ: hợp đồng tặng cho
động sản có hiệu lực tại thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản (Điều 458
BLDS năm 2015).
3. Nội dung của hợp đồng
Nội
dung của hợp đồng là tổng hợp các điều khoản mà các chủ thể tham gia giao kết
hợp đồng đã thỏa thuận. Các điều khoản đó xác định những quyền và nghĩa vụ dân
sự cụ thể của các bên trong hợp đồng.
Điều
398 BLDS năm 2015 quy định: “1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về
nội dung trong hợp đồng; 2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau: a. Đối tượng
của hợp đồng; b. Số lượng, chất lượng; c. Giá, phương thức thanh toán; d. Thời
hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; đ. Quyền, nghĩa vụ của các bên;
e. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; g. Phương thức giải quyết tranh chấp”.
Nội
dung của hợp đồng được hiểu là tổng hợp các điều khoản trong hợp đồng do các
bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Về mặt khoa học pháp lý, các điều
khoản trong hợp đồng được chia thành ba loại là điều khoản cơ bản, điều khoản
thông thường và điều khoản tùy nghi.
Thứ
nhất, điều khoản cơ bản: Là các điều khoản xác định nội dung chủ yếu của hợp
đồng. Đó là những điều khoản không thể thiếu được đối với từng loại hợp đồng.
Nếu không thỏa thuận được những điều khoản đó thì hợp đồng không thể giao kết
được. Điều khoản cơ bản có thể do tính chất của từng hợp đồng quyết định hoặc
do pháp luật quy định. Tùy theo tính chất của từng loại hợp đồng mà điều khoản
cơ bản có thể là đối tượng, giá cả…
Thứ
hai, điều khoản thông thường: Là những điều khoản được pháp luật quy định
trước. Nếu khi giao kết hợp đồng, các bên không thỏa thuận những điều khoản này
thì vẫn coi như hai bên đã mặc nhiên thỏa thuận và được thực hiện như pháp luật
đã quy định. Khi có tranh chấp, sẽ căn cứ vào những quy định của pháp luật để
giải quyết. Khác với điều khỏa cơ bản, các điều khoản thông thường không làm
ảnh hưởng tới quá trình giao kết hợp đồng.
Thứ
ba, điều khoản tùy nghi: Là những điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp
đồng tự ý lựa chọn và thỏa thuận với nhau để xác định quyền và nghĩa vụ dân sự
của các bên. Thông qua điều khoản tùy nghi, các bên có nghĩa vụ được phép lựa
chọn một trong những cách thức nhất định để thực hiện hợp đồng sao cho thuận
lợi mà vẫn bảo đảm được quyền yêu cầu của bên kia.
4. Giao kết và thực hiện hợp
đồng
Giao
kết hợp đồng là việc các bên bày tỏ ý chí với nhau theo những nguyên tắc và
trình tự nhất định để qua đó xác lập với nhau các quyền, nghĩa vụ dân sự.
4.1.
Nguyên tắc giao kết hợp đồng
Khi
giao kết hợp đồng, các chủ thể phải tuân theo nguyên tắc chung được quy định
tại Điều 3 BLDS năm 2015: (i) Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái
pháp luật, đạo đức xã hội; (ii) Các bên tự nguyện và bình đẳng trong giao kết
hợp đồng.
Như
vậy, nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể thỏa mãn được các nhu cầu về đời sống
vật chất cũng như tinh thần, BLDS cho phép mọi chủ thể được quyền “tự do giao
kết hợp đồng”. Theo nguyên tắc này, mọi cá nhân, tổ chức khi có đủ tư cách chủ
thể đều có quyền tham gia giao kết bất kỳ hợp đồng nào nếu họ muốn mà không ai
có quyền ngăn cản. Bằng ý chí tự do của mình, các chủ thể có quyền giao kết
những hợp đồng dân sự đã được pháp luật quy định cụ thể cũng như những hợp đồng
dân sự khác dù rằng pháp luật chưa quy định. Tuy nhiên, sự tự do ý chí đó phải
nằm trong một khuôn khổ nhất định. Bên cạnh việc chú ý đến quyền lợi của mình,
các chủ thể phải hướng tới việc bảo đảm quyền lợi của những người khác cũng như
lợi ích của toàn xã hội. Vì vậy, tự do của mỗi chủ thể phải không trái pháp
luật, đạo đức xã hội.
Bên
cạnh đó, hợp đồng là sự thỏa thuận thống nhất ý chí của các chủ thể tham gia. Vì
thế, muốn xem xét có tự nguyện trong giao kết hợp đồng hay không, cần phải dựa
vào sự thống nhất biện chứng giữa hai phạm trù: Ý chí và sự bày tỏ ý chí. Ý chí
tự nguyện chính là sự thống nhất giữa ý muốn chủ quan bên trong và sự bày tỏ ý
chí đó ra bên ngoài. Vì vậy, để xác định một hợp đồng dân sự có tuân theo
nguyên tắc tự nguyện hay không cần phải dựa vào sự thống nhất ý chí của người
giao kết hợp đồng và sự thể hiện ý chí đó trong nội dung của hợp đồng mà người
đó đã giao kết. Chỉ khi nào hợp đồng là hình thức phản ánh một cách khách quan,
trung thực những mong muốn bên trong của các giao kết thì việc giao kết đó mới
được coi là tự nguyện.
Như vậy, tất cả các hợp đồng được giao kết do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối hoặc
đe dọa đều là những hợp đồng không đáp ứng được nguyên tắc tự nguyện khi giao
kết. Vì thế, nó sẽ bị coi là vô hiệu.”
4.2.
Trình tự giao kết hợp đồng
Trình
tự giao kết hợp đồng là quá trình mà trong đó các bên chủ thể bày tỏ ý chí với
nhau bằng cách trao đổi ý kiến để đi đến thỏa thuận trong việc cùng nhau làm
xác lập những quyền và nghĩa vụ dân sự đối với nhau. Thực chất đó là quá trình
mà hai bên “mặc cả” về những điều khoản trong nội dung của hợp đồng. Qúa trình
đó diễn ra qua hai giai đoạn sau:
Một
là, đề nghị giao kết hợp đồng: Khi một người muốn thiết lập một hợp đồng thì ý
muốn đó phải thể hiện ra bên ngoài thông qua một hành vi nhất định, như vậy thì
phía đối tác mới có thể nhận biết được ý muốn của họ và từ đó mới có thể đi đến
việc giao kết hợp đồng. Để người mà mình muốn giao kết hợp đồng với họ có thể
hình dung được hợp đồng đó như thế nào, người đề nghị phải đưa ra những điều
khoản của hợp đồng một cách cụ thể và rõ ràng. Việc đề nghị giao kết hợp đồng
được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, có thể là trực tiếp hoặc thông qua
việc chuyển công văn, giấy tờ qua đường bưu điện.
Để
bảo đảm quyền lợi cho người đề nghị, Điều 386 BLDS năm 2015 đã quy định: “Trong
trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề
nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị
trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao
kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh”.
Như
vậy, lời đề nghị mặc dù chưa phải là một hợp đồng nhưng ít nhiều đã có tính
chất ràng buộc đối với người đề nghị. Tuy nhiên, bên đề nghị vẫn có thể thay
đổi hoặc rút lại đề nghị trong trường hợp: (i) Bên được đề nghị chưa nhận được
đề nghị; (ii) Bên đề nghị có nêu rõ điều kiện được thay đổi hoặc rút lại đề
nghị và điều kiện đó đã đến.
Hai
là, thông tin giao kết hợp đồng: Theo quy định tại Điều 387 BLDS 2015, đối với
trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng
của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết. Trường hợp một bên nhận được
thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách
nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng
của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác. Bên vi phạm quy định trên mà
gây thiệt hại thì phải bồi thường. Đây là điều hoàn toàn mới, nhằm quản lý chặt
chẽ thông tin trong quá trình giao kết hợp đồng và là cơ sở để giải quyết các
tranh chấp phát sinh.
Ba
là, thời điểm giao kết hợp đồng: Tại Khoản 1 điều 388 trong BLDS 2015 có quy
định: Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau: Do
bên đề nghị ấn định. Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp
đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó, trừ trường
hợp luật liên quan có quy định khác. Ở đây, BLDS năm 2015 đã bổ sung thêm chế
định loại trừ “Trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”, phù hợp với
thực tiễn áp dụng ở nước ta. Và quy định như vậy là để tránh mâu thuẫn giữa các
đạo luật khác, đồng thời ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành.
Bốn
là, im lặng trong quá trình giao kết hợp đồng: Theo quy định tại Điều 393 của
BLDS 2015, sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị
giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác
lập giữa các bên. Đây là quy định làm rõ hơn trường hợp nào thì im lặng được
coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng và trường hợp im lặng nào thi không.
Với việc bổ sung nội dung này đã hạn chế những tranh chấp phát sinh từ sự im
lặng.
Theo
Điều 400 trong BLDS 2015, trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả
lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp
đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng
văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận
khác được thể hiện trên văn bản. Quy định này đã bổ sung thời điểm giao kết hợp
đồng bằng hình thức chấp nhận khác. Và quy định như vậy sẽ rõ ràng, dễ vận dụng
và hạn chế xảy ra tranh chấp từ chế định “sự im lặng” khi giao kết. Đồng thời,
phù hợp thực tiễn áp dụng với việc bổ sung thêm quy định những hình thức khác
được thể hiện trên văn bản.
Năm
là, chấp nhận giao kết hợp đồng: Là việc bên được đề nghị nhận lời đề nghị và
đồng ý tiến hành việc giao kết hợp đồng với người đã đề nghị. Về nguyên tắc,
bên được đề nghị phải trả lời ngay về việc có chấp nhận giao kết hợp đồng hay
không. Trong những trường hợp, cần phải có thời gian để bên được đề nghị cân
nhắc, suy nghĩ mà các bên đã ấn định thời hạn trả lời thì bên được đề nghị phải
trả lời trong thời hạn đó. Nếu sau thời hạn nói trên, bên được đề nghị mới trả
lời về việc chấp nhận giao kết hợp đồng thì lời chấp nhận đó được coi như một
lời đề nghị mới của bên chấp nhận trả lời; Nếu việc trả lời được chuyển qua bưu
điện thì ngày gửi đi theo dấu của bưu điện được coi là thời điểm trả lời. Căn
cứ vào thời điểm đó để bên đã đề nghị xác định việc trả lời có chậm hay không
so với thời hạn ấn định.
Người
được đề nghị có thể chấp nhận toàn bộ nội dung đề nghị, cũng có thể chấp nhận
một phần trong nội dung đó hoặc có thể chỉ chấp nhận việc giao kết hợp đồng
nhưng không đồng ý với nội dung mà bên đề nghị đã đưa ra. Nghĩa là trong những
trường hợp này, người được đề nghị muốn sửa đổi hoặc thay đổi nội dung mà người
đề nghị đã đưa ra. Vì vậy, họ sẽ trở thành người đề nghị mới và người đã đề nghị
trước đó lại trở thành người được đề nghị. Sự hoán vị này có thể xảy ra nhiều
lần cho đến khi nào các bên thống nhất thỏa thuận được với nhau toàn bộ nội
dung của hợp đồng thì sẽ đi đến chính thức giao kết hợp đồng.
Sáu
là,chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng: Theo Điều 391 trong BLDS 2015, thì việc
đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây: Bên được đề nghị
chấp nhận giao kết hợp đồng; Bên được đề nghị trả lời không chấp nhận; Hết thời
hạn trả lời chấp nhận; Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có
hiệu lực; Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực; Theo thỏa thuận của
bên đề nghị và bên được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.
Như vậy, ở chế định này đã bổ bổ sung thêm trường hợp: Bên được đề nghị chấp
nhận giao kết hợp đồng. Và việc bổ sung quy định này vừa đúng về mặt lý luận và
phù hợp với thực tiễn áp dụng.
4.3.Thực
hiện hợp đồng
Khi
thực hiện hợp đồng dân sự, các bên tham gia hợp đồng phải thực hiện đúng, đầy
đủ các điều khoản về đối tượng, địa điểm, thời hạn, phương thức và các thỏa
thuận khác mà nội dung của hợp đồng đã xác định. Ngoài ra, việc thực hiện hợp
đồng còn phải tuân theo những cách thức mà pháp luật đã quy định đối với từng
loại hợp đồng cụ thể:
+
Đối với hợp đồng đơn vụ (Điều 409 BLDS năm 2015) thì bên có nghĩa vụ phải thực
hiện nghĩa vụ đó đúng thời hạn đã thỏa thuận. Việc thực hiện trước hoặc sau
thời hạn mà không được sự đồng ý của người có quyền sẽ bị coi là vi phạm hợp
đồng.
+
Đối với hợp đồng song vụ (Điều 410 BLDS năm 2015) thì trong hợp đồng song vụ,
mỗi bên đêu phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến thời hạn. Các bên đều
không được lấy lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình mà hoãn việc
thực hiện nghĩa vụ (trừ trường hợp việc không thể thực hiện được nghĩa vụ).
Nếu trong hợp đồng song vụ không xác định bên nào phải thực hiện nghĩa vụ trước
thì cùng một lúc, các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau. Bên
cạnh đó, để bảo đảm tính công bằng và quyền lợi của các bên trong hợp đồng,
pháp luật còn quy định cho phải thực hiện nghĩa vụ đó nếu tài sản của bên kia
giảm sút nghiêm trọng đến mức không có khả năng để thực hiện hợp đồng. Khi nào
bên kia khôi phục được khả năng để có thể thực hiện hợp đồng hoặc đã có người
bảo lãnh thì người phải thực hiện nghĩa vụ trước tiếp tục thực hiện hợp đồng.
+
Đối với hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì bên có nghĩa vụ phải thực hiện
nghĩa vụ đó trước người thứ ba khi đến hạn. Bên có quyền có thể yêu cầu bên có
nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Nếu giữa các bên tham gia hợp đồng
đang có tranh chấp về việc thực hiện thì người thứ ba phải tạm dừng quyền yêu
cầu cho đến khi tranh chấp được giải quyết.
+
Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản (Điều 420 BLDS năm 2015),
trong trường hợp này, khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh
hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.
Nếu các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời
hạn hợp lý thì một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng tại
một thời điểm xác định; sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp
của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tòa
án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp
đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được
sửa đổi; Trong thời gian các bên đang đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng hoặc
Tòa án đang giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ
của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Chỉ
được coi là có hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau: (i) Sự
thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra khi giao kết hợp đồng; (ii)
Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay
đổi hoàn cảnh; (iii) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước
thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn
toàn khác; (iv) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội
dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; (v) Bên có lợi ích bị
ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp
với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng
đến lợi ích.
5. Sửa đổi và chấm dứt hợp đồng
5.1.
Sửa đổi hợp đồng
Sửa
đổi hợp đồng là việc các bên đã tham gia giao kết hợp đồng bằng ý chí tự nguyện
của mình thỏa thuận với nhau để phủ nhận (làm thay đổi) một số điều khoản trong
nội dung hợp đồng đã giao kết. Việc sửa đổi hợp đồng dựa trên những đặc điểm
sau: (i) Sửa đổi hợp đồng xuất phát từ sự thỏa thuận của các bên chủ thể, khi
các bên chủ thể không thỏa thuận thì việc sửa đổi hợp đồng không có giá trị;
(ii) Việc sửa đổi hợp đồng chỉ được thừa nhận khi hợp đồng đã có hiệu lực, nếu
thực hiện việc sửa đổi trước thời gian hợp đồng có hiệu lực thì được coi là sự
thay đổi trong quá trình thương lượng, thỏa thuận giữa các bên để hình thành
nội dung của hợp đồng; (iii) Việc sửa đổi chỉ có thể làm thay đổi một phần nội
dung của hợp đồng, không làm thay đổi toàn bộ hợp đồng, vì nếu thay đổi toàn bộ
nội dung của hợp đồng thì đó là thay thế một bản hợp đồng mới cho bản hợp đồng
đang tồn tại; (iv) Nội dung hợp đồng sửa đổi sẽ có hiệu lực pháp luật, thay thế
nội dung phần hợp đồng cũ.
Các
bên thỏa thuận sửa đổi hợp đồng và hợp đồng có thể thay đổi theo quy định tại
Điều 420 BLDS năm 2015 về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Như
vậy, việc sửa đổi hợp đồng dựa trên sự thỏa thuận của các bên mà không bị chi
phối bởi các yếu tố pháp lý khác là chưa đầy đủ. BLDS năm 2005 ghi nhận việc
sửa đổi hợp đồng không được thực hiện đối với những trường hợp pháp luật có quy
định khác. Chẳng hạn như: Khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp
đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi
hoặc hủy bỏ hợp đồng trừ trường hợp người thứ ba đồng ý (Điều 417)…
5.2.
Chấm dứt hợp đồng
Nằm
trong quy luật vân động của các sự vật và hiện tượng nói chung, hợp đồng dân sự
cũng trải qua các giai đoạn phát sinh, phát triển và chấm dứt. Tuy nhiên, khác
với các sự vật, hiện tượng khác, hợp đồng dân sự bao giờ cùng được phát sinh từ
những hành vi có ý thức của các chủ thể. Vì vậy, các sự kiện làm chấm dứt một
hợp đồng dân sự không phải là các sự biến sinh ra do sự vận động của tự nhiên
mà đó là những sự kiện được xuất hiện từ hành vi có ý thức của các chủ thể hoặc
do pháp luật quy định. Căn cứ chấm dứt hợp đồng dân sự cũng là căn cứ chấm dứt
nghĩa vụ dân sự.
Theo
Điều 422 BLDS năm 2015 thì hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau:
Một
là, khi hợp đồng hoàn thành. Là khi các bên chủ thể trong hợp đồng đã thực hiện
xong nội dung các nghĩa vụ được ghi nhận trong hợp đồng. Việc hoàn thành nghĩa
vụ được hiểu trong hai trường hợp: (i) Khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện xong
toàn bộ nghĩa vụ hoặc (ii) Bên có nghĩa vụ đã thực hiện được một phần nghĩa vụ,
phần còn lại được bên có quyền miễn. Ví dụ: A và B giao kết hợp đồng mua bán
gia súc là bò, giá bò được thỏa thuận là 30.000.000đ. A đã giao bò cho B; B đã
trả cho A 25.000.000đ, còn lại 5.000.000đ thì A miễn cho B không phải trả.
Trường hợp này, nghĩa vụ của người bán và người mua đã hoàn thành nên hợp đồng
mua bán châm dứt.
Hai
là, hợp đồng chấm dứt theo thỏa thuận của các bên. Là trường hợp hợp đồng chấm
dứt khi các quyền và nghĩa vụ chưa được thực hiện hoặc thực hiện xong nhưng hợp
đồng vẫn chấm dứt theo sự bàn bạc, thống nhất của các bên chủ thể.
Ba
là, cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc các chủ thể khác chấm dứt mà
hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác đó thực hiện.
Tuy
nhiên, trong một số trường hợp, nếu việc thực hiện nội dung của hợp đồng không
thể chuyển giao sang cho cá nhân, pháp nhân khác thì hợp đồng đó cũng phải chấm
dứt; (ii) Hợp đồng sẽ chấm dứt nếu hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó
thực hiện. Đây là trường hợp hợp đồng không thể chuyển giao sang cho chủ thể
khác thực hiện được, đó có thể là những hợp đồng mà bên có quyền yêu cầu chính
cá nhân, pháp nhân mang nghĩa vụ phải thực hiện hoặc do tính chất của hợp đồng
mà không thể chuyển giao sang cho chủ thể khác. Ví dụ: Hợp đồng liên quan đến
bí mật của bên có quyền, liên quan đến khả năng thực hiện của bên có nghĩa vụ…
Bốn
là, hợp đồng chấm dứt khi một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Ngoài
việc hợp đồng được chấm dứt theo các căn cứ quy định tại Điều 423 BLDS năm 2015
thì hợp đồng còn chấm dứt khi một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.
Khi có một bên vi phạm hợp đồng thì bên kia có quyền đơn phương chấm dứt thực
hiện hợp đồng. Việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được thực hiện theo
quy định tại Điều 428 BLDS. Khi đơn phương đình chỉ hợp đồng thì phần hợp đồng
chưa thực hiện sẽ chấm dứt, nghĩa là hợp đồng được coi là chấm dứt kể từ thời
điểm bên vi phạm nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng từ bên vi phạm. Khi hợp
đồng bị chấm dứt, bên có nghĩa vụ không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của
mình nhưng các bên phải thanh toán phần hợp đồng đã được thực hiện.
Năm
là, hợp đồng chấm dứt khi một bên hủy bỏ hợp đồng. Nhằm nâng cao tính kỷ luật,
sự nghiêm túc trong việc thực hiện hợp đồng, pháp luật cho phép các bên trong
hợp đồng được thỏa thuận về việc một bên có quyền hủy hợp đồng nếu bên kia vi
phạm hợp đồng. Vì vậy, trong những trường hợp đó thì bên vi phạm hợp đồng có
quyền đơn phương hủy hợp đồng và yêu cầu bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại.
Khi một bên hủy hợp đồng thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết,
các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng
hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền.
Sáu
là, hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và
các bên có thể thỏa thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại.
Tức
là trong những trường hợp mà đối tượng của hợp đồng là một vật đặc định hoặc
đơn chiếc mà do bị mất hoặc bị tiêu hủy hay các lý do khác nên vật đó không còn
thì hợp đồng đó đương nhiên được coi là chấm dứt vào thời điểm vật là đối tượng
của hợp đồng không còn. Tuy nhiên thì các bên có thể thỏa thuận vẫn duy trì hợp
đồng đó bằng cách thay thế vật khồng còn bằng một vật khác.
6. Thời hiệu khởi kiện về hợp
đồng
Điều
429 BLDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết
tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải
biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Như
vậy, thời hiệu khởi kiện được hiểu là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện
để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị
xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì coi như mất quyền khởi kiện. Tùy theo
từng quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp mà pháp luật có quy định riêng về
thời hiệu khởi kiện hoặc không áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện như đối
với các yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân, yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu…
Đối
với các tranh chấp về hợp đồng thì pháp luật quy định về thời hiệu là 3 năm kể
từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp
của mình bị xâm phạm. So với quy định trước đây tại Điều 427 BLDS năm 2005 thì
BLDS năm 2015 đã có sự điều chỉnh cơ bản về thời hiệu khởi kiện, theo đó, thời
hiệu khởi kiện này được tăng lên 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết
được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trong khi đó BLDS năm 2005
quy định thời hiệu khởi kiện là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích của chủ thể
trong hợp đồng bị xâm phạm.
Kể
từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực thì bên có quyền lợi bị xâm phạm biết hoặc
phải biết hành vi vi phạm các điều khoản của hợp đồng và thời điểm biết hoặc
phải biết là ngày bên có nghĩa vụ phải thực hiện mà không thực hiện nghĩa vụ
hoặc có thực hiện nhưng thực hiện không đúng nghĩ vụ hoặc gây thiệt hại; Trường
hợp đã hết thời hạn thực hiện hợp đồng nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện,
thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng thì thời điểm bắt đầu
tính thời hiệu là ngày hợp đồng hết thời hạn thực hiện.
Bên cạnh đó, “ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm” có thể không phụ thuộc vào thời điểm kết thúc hợp đồng mà được diễn ra sau thời điểm đó, bởi lúc đó, bên có quyền yêu cầu mới biết được lợi ích của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như vậy, việc chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của bên có quyền yêu cầu bị xâm phạm là rất khó khăn do yếu tố thời gian cũng như xác định trách nhiệm lỗi của bên vi phạm khi hợp đồng đã chấm dứt.
Nguồn: Tạp chí Tòa án