ĐỀ BÀI
Phần I – Các
câu hỏi nhận định
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Tại
sao?
Nhận định 1: Trong
phòng vệ chính đáng, chỉ có người bị tấn công mới có quyền phòng vệ.
Nhận định 2: Người
được miễn chấp hành hình phạt thì không còn án tích.
Phần II – Các
bài tập tình huống
Bài
tập 1:
A 17 tuổi, bị
Tòa án đưa ra xét xử với 2 tội: Cướp tài sản theo khoản 2 Điều 168 BLHS và Tội
sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo khoản 1 Điều 304 BLHS.
Hãy xác định:
Câu hỏi 1
Trường hợp của
A trong vụ việc trên có thuộc trường hợp có nhiều bản án hay không? Tại sao? (1
điểm)
Câu hỏi 2
Tòa án có thể
áp dụng hình phạt bổ sung nào đối với A không? Tại sao?
Câu hỏi 3
Giả sử A bị Tòa
án áp dụng mức hình phạt cao nhất đối với mỗi tội thì mức hình phạt chung cao
nhất mà Tòa án có thể áp dụng đối với A cho cả 2 tội Cướp tài sản theo khoản 2
Điều 168 BLHS và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo khoản 1 Điều 304
BLHS là bao nhiêu năm? Chỉ rõ cơ sở pháp lý?
Bài
tập 2:
Do cần tiền tiêu
xài nên A và B bàn kế hoạch cướp tài sản. Cả hai thống nhất sẽ đột nhập vào nhà
ông X và khống chế ông X để chiếm đoạt tài sản. Để thực hiện kế hoạch này, cả
hai đi mua một con dao Thái Lan, một đoạn dây điện dài 10 mét, một cặp khẩu
trang dùng để che mặt, sau đó A và B đến trước nhà ông X quan sát địa hình khu
vực nhà ông rồi thống nhất 9 giờ tối sẽ hành động. Đúng hẹn, A đến điểm hẹn thì
B báo tin với A không thể tham gia được vì B phải chở mẹ đi bệnh viện cấp cứu.
Dù không có B
nhưng A vẫn hành động. A đột nhập vào nhà ông X. Dùng dao khống chế và yêu cầu
ông X đưa 50 triệu đồng. Ông X giả vờ đồng ý. Lợi dụng A sơ hở khi ông đi lấy
tiền nên ông chạy vào phòng ngủ chốt cửa và tri hô. A bỏ chạy ra ngoài nhưng bị
người dân bắt giữ sau đó. Biết rằng hành vi phạm tội nêu trên cấu thành “tội cướp
tài sản” theo Điều 168 BLHS năm 2015.
Anh chị hãy xác
định:
Câu hỏi 1: Trong
vụ việc trên, A và B có đồng phạm về tội cướp tài sản không? Tại sao?
Câu hỏi 2: Hành
vi cướp tài sản nêu trên thuộc giai đoạn phạm tội nào? Tại sao?
Câu hỏi 3: Trường
hợp của B có được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không? Tại sao?
ĐÁP ÁN THAM KHẢO
Phần I – Giải
đáp các câu hỏi nhận định
Nhận định 1
Nhận định Sai.
Bởi vì, theo
quy định tại Điều 16 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Phòng vệ chính đáng
thì trong phòng vệ chính đáng không chỉ có người bị tấn công mới có quyền phòng
vệ mà cả những người không bị hành vi tấn công xâm hại vẫn có thể có quyền
phòng vệ.
Đó là các trường
hợp, hành vi tấn công xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của tổ chức cá
nhân khác. Khi đó mặc dù hành vi tấn công không xâm phạm đến lợi ích của người
phòng vệ nhưng người phòng vệ này vẫn có quyền phòng vệ trong giới hạn và phạm
vi cần thiết nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm và hạn chế thiệt hại xảy ra.
Cơ sở pháp lý:
Điều 16 Bộ luật hình sự 2015
Nhận định 2
Người được miễn
chấp hành hình phạt thì không còn án tích.
Nhận định Sai
Bởi vì, căn cứ
theo quy định từ Điều 69 đến Điều 73 Bộ luật hình sự năm 2015 thì người phạm tội
được miễn chấp hành hình phạt thì vẫn còn án tích. Trong khoa học pháp lý án
tích có ý nghĩa như một loại trách nhiệm hình sự. Việc miễn chấp hành hình phạt
chỉ là miễn một phần trách nhiệm hình sự (hình phạt) mà người phạm tội phải
gánh chịu.
Do đó, miễn chấp
hành hình phạt không đồng nghĩa với việc xóa án tích.
Cơ sở pháp lý:
các điều từ Điều 69 đến Điều 73 Bộ luật hình sự năm 2015
Phần II – Các
bài tập tình huống
Bài tập 1
A 17 tuổi, bị
Tòa án đưa ra xét xử với 2 tội: Cướp tài sản theo khoản 2 Điều 168 BLHS và Tội
sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo khoản 1 Điều 304 BLHS.
Câu
hỏi 1
Trường hợp của
A trong vụ việc trên không thuộc trường hợp có nhiều bản án. Bởi vì, mặc dù A
phạm 2 tội là “Tội cướp tài sản” và “Tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”
nhưng cả hai tội này đều là được Tòa án đưa ra xét xử 2 tội cùng một lần. Tòa
án sau khi xét xử sẽ chỉ ra một bản án và tổng hợp hình phạt của cả hai tội
danh trên.
Việc xét xử hai
tội danh trong một vụ án giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Tránh tình trạng xét xử kéo dài.
Cơ sở pháp lý:
Điều 103 khoản 1 Bộ luật hình sự 2015
Câu
hỏi 2
Tòa án không thể
áp dụng hình phạt bổ sung nào đối với A.
Theo bài ra, A 17
tuổi là người phạm tội khi dưới 18 tuổi quy định tại Điều 91 Bộ luật hình sự
2015.
Theo đó, tại đoạn
3 khoản 6 Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về nguyên tắc áp dụng hình
phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì không áp dụng hình phạt bổ sung đối
với A.
Cơ sở pháp lý:
Điều 91 Bộ luật hình sự 2015
Câu
hỏi 3
Giả sử A bị Tòa
án áp dụng mức hình phạt cao nhất đối với cả hai tội danh.
Theo đó, hình
phạt cao nhất đối với “Tội cướp tài sản” theo khoản 2 Điều 168 BLHS 2015 là 15
năm tù giam.
Hình phạt cao
nhất đối với “tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” theo khoản 1 Điều 304
BLHS 2015 là 7 năm tù giam.
Tổng hợp hình
phạt của hai tội danh là 22 năm tù giam.
Tuy nhiên, A 17
tuổi, thuộc độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi. Mà theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều
103 Bộ luật hình sự năm 2015 thì mức hình phạt chung cao nhất đối với hình phạt
tù giam mà Tòa án có thể áp dụng đối với người phạm tội thuộc độ tuổi từ 16 đến
18 tuổi là 18 năm tù.
Kết luận: Hình
phạt chung, A phải chịu cho cả 2 tội Cướp tài sản theo khoản 2 Điều 168 BLHS và
tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo khoản 1 Điều 304 BLHS là 18 năm tù.
Cơ sở pháp lý:
khoản 1 Điều 103 Bộ luật hình sự năm 2015
Bài tập 2
Câu
hỏi 1
Trong vụ việc
trên, A và B là đồng phạm về tội cướp tài sản.
Bởi vì, căn cứ
theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2017 quy định về chế định đồng phạm
thì đồng phạm là trường hợp hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm,
mà trong trường hợp trên A và B cùng nhau bàn bạc lên kế hoạch, chuẩn bị phương
tiện dụng cụ để cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội cướp tài sản.
Vụ án trên là đồng
phạm giản đơn, A và B đều là người thực hành.
Cơ sở pháp lý:
khoản 1 Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015
Câu
hỏi 2
Hành vi cướp
tài sản nêu trên thuộc giai đoạn tội phạm hoàn thành.
Xem thêm: Các dấu
hiệu pháp lý của “Tội cướp tài sản”
Bởi vì, hành vi
cướp tài sản nêu trên mặc dù B vì lý do khách quan nên không thể tiếp tục tham
gia phạm tội với A nhưng A vẫn thực hiện tới cùng hành vi phạm tội. A đã thực
hiện hành vi phạm tội của mình, hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc của A
làm cho ông X tin là hành vi có thể xảy ra ngay lập tức và buộc phải giao tài sản.
Hành vi thỏa mãn tất cả các dấu hiệu pháp lý của Tội cướp tài sản.
Mặc dù, B không
tham gia tới cùng thực hiện tội phạm nhưng không thuộc trường hợp tự ý nửa chừng
chấm dứt việc phạm tội nên B cũng phạm “tội cướp tài sản” với vai trò người thực
hành.
Câu
hỏi 3
Như đã trình
bày ở trên, B không được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Xem thêm: Thế
nào là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội?
Bởi vì, B có
vai trò là người thực hành trong vụ án cướp tài sản nói trên mặc dù trên thực tế
B không tham gia tới cùng vào hành vi phạm tội do lý do khách quan (đưa mẹ B
vào bệnh viện cấp cứu).
Chính vì lý do
khách quan này, B không được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Nói
cách khác, nếu không có sự kiện khách quan (đưa mẹ B vào bệnh viện cấp cứu) xảy
ra, B vẫn tiếp tục cùng A thực hiện đến cùng hành vi phạm tội.