Hướng dẫn cách làm và trình bày bài tập môn Luật Tố tụng Dân sự

 

Hướng dẫn cách làm và trình bày bài tập môn Luật Tố tụng Dân sự

ĐỀ BÀI

Anh A và chị B kết hôn năm 1996 trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, có đăng kí kết hôn và sinh sống tại phường T quận Y thành phố Hà Nội. Sau một thời gian chung sống anh chị phát sinh mâu thuẫn. Tháng 4/2005, anh A khởi kiện ra Tòa án yêu cầu xin li hôn và giải quyết tranh chấp về tài sản chung giữa vợ và chồng. Về tài sản chung, vợ chồng anh A và chị B có một mảnh đất diện tích 100m2 tại quận N thành phố Hà Nội và vợ chồng có vay của chị D 150 triệu đồng.

1. Xác định tư cách đương sự trong vụ án?

2. Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc trên và giải thích rõ tại sao?

 

BÀI LÀM

Trước tiên, để giải quyết hai yêu cầu của đề bài thì ta phải xác định được trong vụ việc nói trên có những quan hệ pháp luật nào cần giải quyết. Do trong tình huống anh A khởi kiện ra Tòa án yêu cầu xin ly hôn và giải quyết tranh chấp về tài sản chung giữa vợ và chồng nên sẽ có hai quan hệ pháp luật cần giải quyết là quan hệ hôn nhân và quan hệ tài sản. Căn cứ vào quy định tại Điều 163 BLTTDS và quy định tại điểm 3 chương I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP thì đây là trường hợp “nhiều quan hệ pháp luật có liên quan” mà có thể giải quyết trong cùng một vụ án.

 

1. Xác định tư cách đương sự trong vụ án?

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự thì đương sự là chủ thể không thể thiếu, tư cách đương sự được xác định sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án dân sự. Theo quy định tại khoản 1, Điều 56 BLTTDS 2004 thì: “Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan tổ chức bao gồm: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Giả sử với tình huống bài ra, các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng dân sự là anh A, chị B và chị D đều có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, khi đó tư cách đương sự sẽ được xác định như sau:

*Nguyên đơn: Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 BLTTDS thì: “Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm hại…”. Như vậy, để trở thành nguyên đơn trong một vụ án dân sự thì phải đáp ứng đủ hai điều kiện sau: Một là, chủ thể này phải cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc có tranh chấp. Hai là, chủ thể đó phải gửi đơn khởi kiện tới Tòa và đơn đó được Tòa án thụ lý. Trong tình huống, anh A khởi kiện ra Tòa án yêu cầu xin ly hôn và giải quyết tranh chấp về tài sản chung giữa vợ chồng, rõ ràng anh A hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện trên. Vì thế, anh A là nguyên đơn.

*Bị đơn: Theo khoản 3 Điều 56 BLTTDS, "Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện..." Như vậy, một người được xác định là bị đơn trong vụ án dân sự khi có hai đặc điểm sau: Một là, phải là người bị nguyên đơn hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của BLTTDS khởi kiện. Hai là, người đó được giải thiết là có tranh chấp hay xâm phạm đến quyền lợi của nguyên đơn. Trong tình huống, chị B chính là người mà anh A kiện yêu cầu ly hôn và giải quyết tranh chấp tài sản, hoàn toàn thỏa mãn hai điều kiện trên. Do đó, chị B chính là bị đơn.

*Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Theo khoản 4 Điều 56 BLTTDS, "Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ ….". Như vậy, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là người không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Trong vụ án này, tuy chị D không phải là người khởi kiện, cũng không phải là người bị kiện, nhưng anh A và chị B có vay của chị 150 triệu đồng, vì thế việc hai anh chị ly hôn và phân chia tài sản chung có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của chị D. Vì vậy, chị D chính là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự này.

 

2. Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc trên? Giải thích rõ tại sao?

Để giải quyết yêu cầu này thì ta cần xác đinh thẩm quyền giải quyết vụ việc của Tòa án theo cấp và theo lãnh thổ:

Về thẩm quyền giải quyết vụ việc của Tòa án theo cấp: Do đây là vụ án tranh chấp về ly hôn, chia tài sản khi ly hôn quy định tại khoản 1 Điều 27 BLTTDS nên căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 33 BLTTDS, Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ án này.

Về thẩm quyền giải quyết vụ việc của Tòa án theo lãnh thổ:

Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ giải quyết vụ án dân sự được quy định tại Điều 35 BLTTDS. Về nguyên tắc, với những tranh chấp về bất động sản thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Tòa án nơi có bất động sản. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong tình huống trên anh A khởi kiện ra Tòa án yêu cầu xin ly hôn và giải quyết tranh chấp về tài sản chung vợ chồng, trong khối tài sản chung đó có bất động sản là một mảnh đất diện tích 100m2 tại quận N thành phố Hà Nội, vậy thì trường hợp này có được coi là tranh chấp về bất động sản hay không? Có thể hiểu, tranh chấp về bất động sản là những tranh chấp có đối tượng là bất động sản. Trong tình huống bài ra, đúng là anh A và chị B đang có tranh chấp về bất động sản nhưng phải khẳng định rằng, do xuất phát từ yêu cầu ly hôn và phân chia tài sản chung vợ chồng nên mới dẫn đến tranh chấp về bất động sản, đây chỉ là quan hệ pháp luật phụ phát sinh từ quan hệ pháp luật hôn nhân, quan hệ pháp luật hôn nhân mới là quan hệ pháp luật chính cần phải giải quyết. Chính vì thế, trong trường hợp này không thể áp dụng điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS mà thẩm quyền của vụ việc sẽ thuộc về Tòa án nơi bị đơn cư trú (điểm a khoản 1 Điều 35) hoặc Tòa án nơi nguyên đơn cư trú nếu như đương sự có sự thỏa thuận bằng văn bản (điểm b khoản 1 Điều 35).

Căn cứ theo quy định tại Điều 52 BLDS năm 2005 và Điều 12 Luật cư trú năm 2004 thì nơi cư trú của công dân có thể là nơi tạm trú hoặc nơi thường trú. Do đó ta có thể xác định anh A và chị B cùng cư trú ở quận Y thành phố Hà Nội. Như vậy, dù áp dụng theo điểm a hay điểm b khoản 1 Điều 35 BLTTDS thì thẩm quyền giải quyết vụ việc cũng thuộc về Tòa án nhân dân quận Y thành phố Hà Nội. Ngoài ra, vụ án này cũng không thuộc trường hợp nào theo quy định tại khoản 1 Điều 36 BLTTDS về thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người có yêu cầu.

 

Nói tóm lại, thẩm quyền giải quyết vụ việc nói trên thuộc về Tòa án quận Y thành phố Hà Nội.

Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn