1 – Đối tượng điều chỉnh của luật hình sự
là tất cả các QHXH phát sinh khi có một tội phạm được thực hiện.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Khi có một tội phạm được thực hiện sẽ phát
sinh nhiều quan hệ xã hội (quan hệ dân sự, quan hệ hành chính…). Trong khi luật
hình sự chỉ điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và người phạm tội
khi người này thực hiện tội phạm, hay còn gọi là quan hệ pháp luật hình sự.
2 – Đối tượng điều chỉnh của luật hình sự
là những QHXH được luật hình sự bảo vệ.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Đối tượng điều chỉnh của luật hình sự là
QHXH phát sinh giữa NN và người phạm tội khi người này thực hiện tội phạm. Còn
QHXH được luật hình sự bảo vệ là các quan hệ xã hội được quốc gia tuyên bố bảo
vệ trước sự xâm hại của tội phạm. Các quan hệ này khi bị xâm phạm sẽ trở thành
khách thể của tội phạm.
3 – Bãi nại của người bị hại là căn cứ
pháp lý có giá trị bắt buộc làm chấm dứt QHPL hình sự.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Bãi nại được hiểu là rút yêu cầu khởi
kiện. Tuy nhiên không phải mọi các hành vi phạm tội đều không bị xử lí hình sự
khi có bãi nại. Căn cứ vào Điều 155 BLTTHS 2015 thì chỉ được khởi tố vụ án hình
sự khi có yêu cầu của người bị hại (hoặc đại diện người bị hại) đối với 10 tội
danh được quy định điều luật này quy định. Vì thế, bãi nại chỉ có giá trị pháp
lí bắt buộc làm chấm dứt quan hệ PL hình sự đối với một số tội danh do luật định
mà thôi.
Cơ sở pháp lý: Điều 155 BLHS 2015
4 – Trong mọi trường hợp một tội phạm chỉ được
coi là thực hiện tại Việt Nam nếu tội phạm đó bắt đầu và kết thúc trên lãnh thổ
Việt Nam.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Tội phạm được xem là thực hiện trên lãnh
thổ Việt Nam khi tội phạm ấy có một giai đoạn được thực hiện trên lãnh thổ Việt
Nam. Nghĩa là tội phạm đó có thể được thực hiện trọn vẹn trên lãnh thổ Việt
Nam, hoặc bắt đầu hoặc diễn ra hoặc kết thúc trên lãnh thổ Việt Nam.
5 – Căn cứ phân loại tội phạm theo Điều 9
Bộ luật hình sự là mức hình phạt do Tòa án áp dụng đối với người phạm tội.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Căn cứ vào Điều 9 BLHS thì phân loại tội
phạm dựa trên tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định
trong Bộ luật này. Nói cách khác, căn cứ phân loại tội phạm phải dựa trên mức
cao nhất của khung hình phạt (do Điều luật quy định), còn mức hình phạt do Tòa
án áp dụng là hoạt động áp dụng pháp luật của Tòa án, không phải căn cứ phân
loại tội phạm theo Điều 9 BLHS.
Cơ sở pháp lý: Điều 9 BLHS 2015
6 – Trong một tội danh bắt buộc phải có 3
loại cấu thành tội phạm: cấu thành cơ bản, tăng nặng và giảm nhẹ.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Trong một tội danh không bắt buộc có đủ 3
loại CTTP. Ví dụ: Điều 173 quy định về tội trộm cắp tài sản. Theo đó, Khoản 1
là CTTP cơ bản, Khoản 2 và Khoản 3 là CTTP tăng nặng, Khoản 5 là hình phạt bổ
sung. Điều luật này không quy định về CTTP giảm nhẹ
7 – Tội phạm có cấu thành vật chất là một
tội phạm mà trên thực tế đã gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Để xác đinh một tội phạm có cấu thành vật
chất là phải dựa vào mặt khách quan của tội phạm do luật định, tức là hậu quả
của tội phạm được quy định cụ thể trong điều luật, không dựa vào hậu quả đã xảy
ra trên thực tế.
8 – Khách thể của tội phạm là các QHXH mà
luật hình sự có nhiệm vụ điều chỉnh.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được
luật Hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Còn quan hệ xã hội được luật hình
sự điều chỉnh là quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và người phạm tội khi
người này thực hiện một tội phạm, đây là quan hệ pháp luật hình sự.
9 – Đối tượng tác động của một tội phạm
luôn là đối tượng vật chất cụ thể.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Đối tượng tác động của tội phạm có thể là
con người (VD: hành vi giết người), đối tượng vật chất (VD: trộm cắp tài sản)
hoặc hoạt động bình thường của con người (VD: đưa hối lộ).
Tham khảo thêm:
• Tuyển
tập đề thi môn Luật Hình sự phần chung
10 – Mọi tội phạm suy cho cùng đều là xâm
phạm đến khách thể chung.
Đáp án tham khảo
Nhận định đúng.
Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được
luật Hình sự bảo vệ khỏi xự xâm phạm của tội phạm. Bất kể tội phạm nào khi được
thực hiện đều đã xâm phạm đến các mối quan hệ đó. Vì vậy, suy cho cùng đều xâm
phạm đến một khách thể chung là các quan hệ xã hội được pháp luật Hình sự bảo
vệ.
11 – Nếu trên thực tế tội phạm đã làm cho đối
tượng tác động của tội phạm tốt hơn so với tình trạng ban đầu thì không bị coi
là gây thiệt hại cho XH.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Thông thường, hành vi phạm tội làm biến đổi
tình trạng bình thường của đối tượng tác động, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây
thiệt hại cho khách thể của tội phạm. Có những trường hợp hành vi phạm tội
không làm xấu đi tình trạng của đối tượng tác động, nhưng vẫn gây thiệt hại
hoặc đe dọa gây thiệt hại cho khách thể.
Ví dụ: A trộm dây chuyền vàng của B. A
mang về, cất đi, bảo quản và không làm gì hư hại đến sợi dây chuyền. Nhưng hành
vi trộm cắp tài sản của A đã gây thiệt hại cho quyền sở hữu của B. Nên hành vi
của A vẫn gây nguy hiểm cho xã hội và cấu thành tội phạm.
12 – Tuổi chịu TNHS là tiền đề để xác định
lỗi của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho XH.
Đáp án tham khảo
Nhận định đúng.
Vì chỉ khi một người đạt đến một độ tuổi
nhất định (do luật quy định) thì người này mới có khả năng nhận thức và điều
khiển hành vi của bản thân. Từ đó, vấn đề “lỗi” mới được đặt ra nếu người này đủ
tuổi chịu TNHS.
13 – Người mắc bệnh tâm thần thực hiện
hành vi nguy hiểm cho XH được quy định trong BLHS thì không phải chịu TNHS.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Căn cứ vào Điều 21 BLHS 2015 quy định: “Người
thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một
bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình,
thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Theo đó, người mắc bệnh tâm thần chỉ
là điều kiện cần để loại trừ trách nhiệm hình sự. Chỉ khi nào một người đang
mắc bệnh tâm thần dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi trong
khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (điều kiện đủ) thì mới được xem là
không có năng lực TNHS.
Cơ sở pháp lý: Điều 21 BLHS 2015.
14 – Sự kiện bất ngờ là tình tiết loại trừ
yếu tố lỗi của hành vi phạm tội.
Đáp án tham khảo
Nhận định đúng.
Căn cứ vào Điều 20 BLHS 2015 thì “Người
thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể
thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không
phải chịu trách nhiệm hình sự”. Theo đó, trong trường hợp sự kiện bất ngờ thì
người có hành vi gây thiệt hại được xem là không có lỗi vì họ không thể thấy trước
hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả. Do đó, họ không phải chịu TNHS.
Cơ sở pháp lý: Điều 20 BLHS 2015
15 – Mục đích phạm tội có ý nghĩa bắt buộc
trong một số cấu thành tội phạm.
Đáp án tham khảo
Nhận định đúng.
Mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu
bắt buộc trong mọi cấu thành tội phạm, mà chỉ có ý nghĩa bắt buộc đối với một
số cấu thành tội phạm. Ví dụ: đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia đều có
mục đích phạm tội là chống chính quyền nhân dân.
16 – Người bị cưỡng bức thân thể, trong
mọi trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự về xử sự gây ra thiệt hại
cho xã hội.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Người bị cưỡng bức thân thể vẫn có thể
phải chịu trách nhiệm hình sự về xử sự gây ra thiệt hại cho xã hội. Căn cứ vào điểm
k khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 thì “Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng
bức” chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ
TNHS.
Cơ sở pháp lý: điểm k Khoản 1 Điều 51 BLHS
2015
Cập nhật ngày 7/12/2016:
Bạn “Phuong” cho rằng: cưỡng bức thân thể
thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, còn đối với cưỡng bức tinh thần thần
thì có thể chịu TNHS, nên điểm k, khoản 1, điều 51 sẽ áp dụng đối với trường hợp
cưỡng bức tinh thần là hợp lí hơn.
17 – Mọi trường hợp biểu lộ ý định phạm
tội đều không bị xử lý theo PLHS.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Về nguyên tắc, biểu lộ ý định phạm tội
không phải là 1 giai đoạn thực hiện tội phạm, cho nên không phải chịu TNHS. Tuy
nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, việc biểu lộ ý định tội phạm đã có
tính nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, trong các trường hợp này, luật hình sự quy định
việc biểu lộ ý định phạm tội thành 1 tội độc lập và người biểu lộ ý định vẫn
phải chịu TNHS như bình thường. Ví dụ: Điều 133 BLHS quy định về tội đe dọa
giết người.
18 – Tội phạm có cấu thành hình thức là
loại tội phạm không có giai đoạn phạm tội chưa đạt.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Căn cứ vào Điều 15 BLHS 2015 thì “Phạm tội
chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì
những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội”. Theo đó, đối với những tội
phạm có CTTP hình thức mà hành vi khách quan bao gồm nhiều hành vi, nếu người
phạm tội chưa thực hiện hết tất cả các hành vi mà dừng lại do nguyên nhân khách
quan thì được coi là phạm tội chưa đạt.
Ví dụ: Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
(Điều 169 BLHS 2015) là tội phạm có CTTP hình thức về mặt khách quan bao gồm:
hành vi bắt cóc con tin, hành vi đe dọa chỉ tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản.
Nếu người phạm tội chỉ mới thực hiện hành vi bắt cóc con tin mà đã bị bắt giữ
thì trường hợp này ở giai đoạn phạm tội chưa đạt
Cơ sở pháp lý: Điều 15 BLHS 2015
19 – Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
không bị coi là phạm tội.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Căn cứ vào Điều 16 BLHS 2015 thì “Người tự
ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định
phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác,
thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”. Theo đó, tự ý nửa chừng
chấm dứt việc phạm tội sẽ được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm do
chính sách khoan hồng của Nhà nước, chứ không phải là không phạm tội.
Cơ sở pháp lý: Điều 16 BLHS 2015
20 – Mức độ thực hiện hành vi phạm tội là
1 trong những căn cứ ảnh hưởng đến mức độ TNHS.
Đáp án tham khảo
Nhận định đúng.
Căn cứ vào Điều 57 BLHS 2015 thì ta thấy
trách nhiệm hình sự của phạm tội chưa đạt và chuẩn bị phạm tội nhẹ hơn so với
tội phạm hoàn thành.
Cơ sở pháp lý: Điều 57 BLHS 2015
21 – Mỗi tội phạm chỉ trực tiếp xâm hại đến
1 QHXH cụ thể.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Các quan hệ xã hội tồn tại như một hệ
thống, có tác động qua lại lẫn nhau. Vì vậy khi một tội phạm được thực hiện, nó
có thể xâm phạm đến nhiều quan hệ xã hội khác nhau được luật hình sự bảo vệ.
Ví dụ: hành vi cướp tài sản trực tiếp xâm
hại quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân.
22 – Người phạm tội và người bị hại có
quyền thỏa thuận với nhau về mức độ TNHS của người phạm tội.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Xuất phát từ phương pháp điều chỉnh của
luật hình sự là phương pháp quyền uy – phục tùng. Trong đó Nhà nước buộc người
phạm tội phải chịu TNHS về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Vì thế, không
có sự thỏa thuận nào trong TNHS giữa người phạm tội và người bị hại.
23 – Tình tiết loại trừ tính nguy hiểm cho
XH của hành vi là tình tiết loại trừ tính chất phạm tội.
Đáp án tham khảo
Nhận định đúng.
Tình thế loại trừ tính nguy hiểm cho xã
hội của hành vi được ghi nhận trong BLHS 2015 từ Điều 20 đến Điều 26. Theo đó,
tình tiết loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi là một trong 2 dạng
tình tiết loại trừa tính chất phạm tội (cùng với tình tiết loại trừ tính có lỗi
của hành vi). Tình tiết loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi là cơ sở
pháp lí quan trọng để phân định tội phạm và các hành vi không phải là tội phạm.
Cơ sở pháp lý: từ Điều 20 đến Điều 26 BLHS
2015.
24 – Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
thì không bị coi là phạm tội.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Căn cứ vào Điều 16 BLHS 2015 thì “Người tự
ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định
phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác,
thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”. Theo đó, tự ý nửa chừng
chấm dứt việc phạm tội sẽ được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm do
chính sách khoan hồng của Nhà nước, chứ không phải là không phạm tội.
Cơ sở pháp lý: Điều 16 BLHS 2015
25 – Phòng vệ khi sự tấn công chưa xảy ra
luôn là phòng vệ quá sớm.
Đáp án tham khảo
Nhận định sai.
Phòng vệ quá sớm là trường hợp có hành vi
chống trả khi chưa có những biểu hiện đe dọa sự tấn công sẽ xảy ra ngay tức
khắc. Theo đó, mặc dù hành vi tấn công chưa xảy ra nhưng đã đe dọa xảy ra ngay
tức khắc cũng làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng được ghi nhận tại Điều 22
BLHS 2015.
Cơ sở pháp lý: Điều 22 BLHS 2015
26 – Giúp sức để kết thúc tội phạm vào
thời điểm sau khi tội phạm hoàn thành trong mọi trường hợp đều là đồng phạm.
Đáp án tham khảo
Nhận định đúng.
Vì căn cứ vào khoản 3 Điều 17 BLHS 2015
thì: “Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc
thực hiện tội phạm”. Giúp sức để kết thúc tội phạm tức là được tiến hành trước khi tội phạm kết thúc. Đây là điệu kiện
để hành vi giúp sức của người giúp sức trở thành đồng phạm.
Cơ sở pháp lý: Điều 17 khoản 3 BLHS 2015.