Đề cương ôn tập môn Luật Hình sự (Phần chung)


Đề cương ôn tập môn Luật Hình sự (Phần chung)

I. Trắc nghiệm tự luận: Nhận định sau đây đúng hay sai? Tại sao?

1. Căn cứ để phân loại tội phạm theo Điều 9 BLHS năm 2015 là mức hình phạt do Tòa án áp dụng đối với người phạm tội.

2. Những tội phạm mà người thực hiện bị Toà án tuyên phạt từ 3 năm tù trở xuống đều là tội phạm ít nghiêm trọng.

3. Mọi tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ Luật Hình sự quy định là phạt tiền thì đều là tội phạm ít nghiêm trọng.

4. Trong một tội danh luôn có cả ba loại cấu thành tội phạm: cấu thành cơ bản, cấu thành tăng nặng và cấu thành giảm nhẹ.

5. Trong cấu thành tội phạm giảm nhẹ không có dấu hiệu định tội.

6. Một tội phạm mà trên thực tế chưa gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội là tội phạm có cấu thành hình thức.

7. Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội mà Luật Hình sự có nhiệm vụ điều chỉnh.

8. Mỗi tội phạm chỉ có một khách thể trực tiếp.

9. Mọi tội phạm suy cho cùng đều xâm hại đến khách thể chung.


10. Một tội phạm nếu trên thực tế đã làm cho đối tượng tác động của tội phạm tốt hơn so với tình trạng ban đầu thì không bị coi là gây thiệt hại cho xã hội.

11. Mọi hành vi phạm tội đều gây thiệt hại cho đối tượng tác động của tội phạm.

12. Đối tượng tác động của tội phạm là đối tượng điều chỉnh của Luật Hình sự.

13. Đối tượng tác động của tội phạm luôn là đối tượng vật chất cụ thể.

14. Mọi hành vi phạm tội được thực hiện đều gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm.

15. Đối tượng tác động của Tội đua xe trái phép (Điều 266 BLHS) là xe ôtô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ.

16. Mọi xử sự của con người gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho xã hội đều được coi là hành vi khách quan của tội phạm.

17. Tội liên tục là trường hợp phạm tội nhiều lần.

18. Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu luôn được quy định trong cấu thành tội phạm cơ bản.

19. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu định tội đối với tội phạm có cấu thành hình thức.

20. Người mắc bệnh tâm thần thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

21. Người 15 tuổi thực hiện hành vi được quy định tại khoản 2 Điều 128 BLHS thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

22. Lỗi là thái độ tâm lý của người phạm tội đối với người bị hại.

23. Xử sự của một người được coi là không có lỗi nếu gây thiệt hại cho xã hội trong trường hợp không có tự do ý chí.

24. Nhận thức được hậu quả cho xã hội tất yếu xảy ra là nội dung của lỗi cố ý gián tiếp.

25. Người bị cưỡng bức thân thể thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về xử sự gây thiệt hại cho xã hội được quy định trong BLHS.

26. Người bị cưỡng bức về tinh thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về xử sự gây thiệt hại cho xã hội được quy định trong BLHS.

27. Tuổi chịu TNHS là tiền đề để xác định lỗi của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

28. Trong mọi trường hợp sai lầm về pháp luật, người thực hiện hành vi không phải chịu trách nhiệm hình sự.

II. BÀI TẬP

Bài tập 1

A trộm cắp tài sản của B trị giá 70 triệu đồng. Hành vi của A cấu thành tội trộm cắp tài sản theo khoản 2 Điều 173 BLHS và bị Tòa án tuyên phạt 2 năm tù giam.

Anh (chị) hãy xác định:

1. Căn cứ vào Điều 9 BLHS thì loại tội phạm mà A thực hiện là loại tội gì? Tại sao?

2. Tội trộm cắp tài sản là tội phạm có cấu thành tội phạm (CTTP) vật chất hay CTTP hình thức? Tại sao?

3. Hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp CTTP cơ bản, CTTP tăng nặng hay CTTP giảm nhẹ? Tại sao?

Bài tập 2

A có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông X. Tội phạm và hình phạt về hành vi phạm tội này được quy định tại Điều 174 BLHS.

Anh (chị) hãy xác định:

1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, hành vi phạm tội của A thuộc loại tội phạm nào và tại sao nếu hành vi phạm tội đó thuộc trường hợp quy định tại:

a) Khoản 1 Điều 174 BLHS;

b) Khoản 2 Điều 174 BLHS;

c) Khoản 3 Điều 174 BLHS;

d) Khoản 4 Điều 174 BLHS.

2. Căn cứ vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được CTTP phản ánh, tội phạm thuộc loại CTTP nào và tại sao nếu hành vi phạm tội đó thuộc trường hợp quy định tại:

a) Khoản 1 Điều 174 BLHS;

b) Khoản 2 Điều 174 BLHS;

c) Khoản 3 Điều 174 BLHS;

d) Khoản 4 Điều 174 BLHS.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội phạm có CTTP vật chất hay CTTP hình thức? Tại sao?

Bài tập 3

Dựa vào cấu trúc của mặt khách quan và quy định của BLHS về tội phạm cụ thể, hãy xác định các tội phạm sau đây thuộc loại CTTP nào:

1. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 132 BLHS);

2. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 BLHS);

3. Tội cướp tài sản (Điều 168);

4. Tội đua xe trái phép (Điều 266 BLHS).

Bài tập 4

A mời hai người bạn là B và C đi nhậu tại quán ông Y hết 2.300.000 đồng. A chỉ có một triệu đồng và chủ quán đồng ý cho trả số tiền còn lại vào ngày hôm sau. B thấy vậy sợ chủ quán không tin tưởng nên tháo chiếc đồng hồ đeo tay trị giá 6 triệu đồng đưa cho chủ quán để làm tin. A cảm thấy bị xúc phạm nên liền rút một trái lựu đạn (không có thuốc nổ bên trong) đặt mạnh lên bàn và la lên “Đứa nào dám không tin?”. Hành động của A làm cho thực khách hoảng sợ và bỏ chạy. Kết quả chủ quán bị thiệt hại hơn 10 triệu đồng do không thể thanh toán được với khách hàng đã bỏ chạy.

Hãy xác định hành vi của A xâm phạm đến khách thể trực tiếp nào? (Cho biết có hai quan hệ bị thiệt hại trong trường hợp này do hành vi của A: thứ nhất là quyền sở hữu của ông Y về số tiền bị thất thoát; thứ hai là trật tự công cộng).

Bài tập 5

Người dưới 15 tuổi có phải chịu TNHS về hành vi trộm cắp tài sản của mình không nếu hành vi của họ được quy định tại:

1. Khoản 1 Điều 173;

2. Khoản 2 Điều 173;

3. Khoản 3 Điều 173;

4. Khoản 4 Điều 173.

Bài tập 6

A 15 tuổi 6 tháng đã thực hiện hành vi được quy định tại khoản 3 Điều 260 BLHS. Hãy xác định A có phải chịu TNHS về hành vi của mình hay không.

(Biết rằng tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 BLHS) được thực hiện với lỗi vô ý).

Bài tập 7

A là bác sĩ đa khoa có mở phòng mạch riêng. Trong lúc khám bệnh A đã kê toa thuốc cho bé Hoài Trung (3 tuổi) theo toa của người lớn. Do sơ suất, A không kiểm tra toa thuốc trước khi trao cho người nhà của bé Trung. Người nhà của bé Trung đến tiệm thuốc do H đứng bán. H bán thuốc theo toa của A mặc dù trên toa thuốc có ghi tuổi của bệnh nhân là 3 tuổi. Bé Trung do uống thuốc quá liều nên bị tử vong.

Anh (chị) hãy xác định:

1. Đối tượng tác động của hành vi phạm tội của A là gì?

2. Hành vi của A đã xâm phạm khách thể trực tiếp nào?

3. Quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả trong vụ án này thuộc loại nào? Tại sao?

4. Lỗi của A là loại lỗi gì? Tại sao?

5. H có lỗi trong việc gây ra cái chết của bé Trung không? Nếu có là lỗi gì? Tại sao?

Bài tập 8

A là nhân viên bảo vệ kho C 6 cảng Tân Thuận. Trong một ca trực đêm, do một người vắng mặt nên A phải trực một mình. Vào lúc 1 giờ 30 sáng ngày hôm sau, trong khi đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ A bị ba tên côn đồ xông tới dùng dao kề vào cổ A, buộc A phải giao chìa khóa kho hàng nếu không sẽ giết A ngay lập tức. Trong tình trạng đó A buộc phải giao chìa khóa cho chúng. Bọn côn đồ trói A lại, nhét khăn vào miệng A. Kết quả là chúng đã chiếm đoạt một số hàng hóa trị giá 500 triệu đồng. Đến ca trực ngày hôm sau vụ việc được phát hiện.

Anh (chị) hãy xác định: A có được coi là bị cưỡng bức không? Nếu có thì là loại cưỡng bức gì và có ảnh hưởng như thế nào đến trách nhiệm hình sự của A?

Bài tập 9

Chị Y vừa được công ty thương mại X tuyển vào làm thủ quỹ. Biết rõ việc này, ba tên A, B, C (đã thành niên và đều là thành phần thất nghiệp, nghiện ngập) đã chặn đường chị Y đòi Y phải giao nộp cho chúng 5 triệu đồng, nếu không chúng sẽ tố cáo hành vi tham ô mà chị Y đã thực hiện trước đây ở một cơ quan nhà nước. Lo sợ bị mất việc làm, chị Y đã tự ý lấy số tiền 5 triệu trong công quỹ của công ty X và giao cho bọn chúng. Vụ việc bị phát hiện.

Anh (chị) hãy xác định: chị Y có được coi là bị cưỡng bức không? Nếu có thì là loại cưỡng bức gì và có ảnh hưởng như thế nào đến trách nhiệm hình sự của Y?

Bài tập 10

A có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ khu rừng của nông trường X. B đã nhiều lần vào khu rừng trên để chặt trộm cây bạch đàn. Một buổi A bắt quả tang B đang chặt trộm bạch đàn. A buộc B phải về trụ sở của nông trường để xử lý theo quy định. B xin tha nhưng A không chấp nhận. Trên đường trở về trụ sở nông trường, lợi dụng trời tối và đoạn đường khó đi, B đã dùng rìu chặt cây chém hai nhát vào đầu A làm A té quỵ, B tiếp tục chém nhiều nhát vào vùng ngực và mặt của A. Khi thấy A nằm bất động B xách rìu đi về phía rừng. Một lúc sau có người phát hiện và A đã được cứu sống. Giấy chứng thương ghi nhận A bị thương tật với tỷ lệ 65%. Biết rằng hành vi của B cấu thành 2 tội: tội giết người (Điều 123 BLHS) và tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS).

Anh (chị) hãy xác định:

1. Đối tượng tác động và khách thể của tội phạm do B thực hiện.

2. Công cụ phạm tội trong vụ án này là gì? Dấu hiệu công cụ phạm tội có phải là dấu hiệu định tội của các tội phạm trên hay không? Tại sao?

3. Loại hậu quả do hành vi phạm tội của B gây ra?

4. Lỗi của B trong việc gây thương tích cho A? Tại sao?

Bài tập 11

Do mâu thuẫn với mẹ ruột mình (bà Liêu), sau một hồi cãi vã với mẹ, Trung liền mang can nhựa đi mua 3 lít xăng đem về nhà. Lúc này cháu Thảo (con gái Trung) đang ngủ trên giường, chị Xuân (vợ Trung) đang bế đứa con gái 2 tuổi là cháu Vy. Thấy Trung tay cầm can xăng với thái độ rất hung hăng, chị Xuân liền can ngăn, nhưng Trung gạt chị Xuân ra, vừa quát: “Tao đốt nhà rồi trả cho bà Liêu”, vừa tưới xăng lên nền nhà và vách nhà bằng gỗ. Chị Xuân một tay bế con, một tay giật can xăng trên tay Trung. Tức thì Trung bật quẹt, lửa bùng cháy. Sau đó hàng xóm đến can ngăn và dập lửa.

Kết quả là cháu Vy bị bỏng nặng và chết ngay sau đó. Chị Xuân và Trung cũng bị bỏng nhưng thoát chết (chị Xuân bị bỏng nặng với tỷ lệ thương tật là 41%). Một phần vách nhà và tài sản trong nhà (gồm giường, tủ, bàn ghế) bị cháy, thiệt hại về tài sản là 10 triệu đồng.

Anh (chị) hãy xác định:

1. Đối tượng tác động của hành vi phạm tội của Trung là gì?

2. Hành vi của Trung đã xâm phạm khách thể trực tiếp nào?

3. Xét về hình thức thể hiện hành vi phạm tội của Trung thuộc loại nào?

4. Loại hậu quả do hành vi phạm tội của Trung gây ra là gì? Mức độ thiệt hại của mỗi loại hậu quả là như thế nào?

5. Dạng quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm trong vụ án này. Tại sao?

6. Lỗi của Trung đối với từng loại thiệt hại trong vụ án trên? Tại sao?

Bài tập 12

Ngày 14/2, khi đang đi xe máy trên đường thì A phát hiện chị X có đeo sợi dây chuyền trên cổ nên A nảy sinh ý định chiếm đoạt. A chạy xe đến gần chị X và nhanh tay giật sợi dây chuyền trên cổ chị X rồi bỏ chạy. Do bị giật bất ngờ nên chị X bị mất thăng bằng, té đập đầu xuống đất dẫn đến chấn thương sọ não và tử vong.

(Biết rằng: Hành vi cướp giật tài sản nêu trên thuộc trường hợp được quy định tại Khoản 4 Điều 171 BLHS).

Anh (chị) hãy xác định:

1. Đối tượng tác động của hành vi phạm tội do A thực hiện?

2. Hành vi của A đã xâm phạm đến khách thể trực tiếp nào?

3. Loại hậu quả của hành vi phạm tội do A thực hiện?

4. Thái độ tâm lý đối với hành vi cướp giật tài sản và gây ra cái chết cho nạn nhân của A trong vụ án này có phải trường hợp “hỗn hợp lỗi” hay không? Tại sao?

Bài tập 13

Theo tập tục của một số dân tộc ít người, nếu người mẹ chết ngay sau khi sinh thì phải chôn sống đứa trẻ cùng với người mẹ. Vợ A chết sau khi sinh nên A đã chôn con mình cùng với vợ.

Hỏi: Trường hợp của A có phải là sai lầm về pháp luật không? Tại sao?

Bài tập 14

Trong một lần đi chơi, A (học sinh lớp 9 Trường THCS T) nảy sinh tình cảm với B, cô nữ sinh lớp 8 của một trường khác. Trong thời gian quen nhau, nhiều lần nghe B kể X là người yêu cũ của B hay nhắn tin với cô để mong nối lại tình cảm. Do ghen tuông, A quyết định tìm X đánh dằn mặt. Trước khi đi, A chuẩn bị một con dao nhọn. Đến trước cổng trường của bạn gái, do không biết mặt của X nên khi thấy một nam sinh lớp 10 cùng B đi ngang qua, A nghĩ là X nên xông vào đánh và rút dao đâm hai nhát ngay tim làm nạn nhân chết tại chỗ. Tuy nhiên nạn nhân không phải là X.

(Biết rằng hành vi của A cấu thành tội giết người tại Khoản 2 Điều 123 BLHS)

Anh (chị) hãy xác định:

1. Đối tượng tác động và khách thể bị xâm phạm trong vụ án trên;

2. Trong trường hợp trên có sai lầm thực tế hay không? Nếu có thì đó là sai lầm nào? Tại sao?

3. Quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm trong vụ án này thuộc dạng nào? Tại sao?

Bài tập 15

Vào 10 giờ đêm, A đang đi trên 1 đường vắng người thì phát hiện một thanh niên đang đi cùng chiều. A liền lấy dao áp sát vào người thanh niên đó (B), uy hiếp đòi B đưa tiền. B nói không có, A một tay dùng dao uy hiếp B, một tay móc vào túi sau của B lấy được chiếc bóp tay. Khi mở ra thì bóp không có tiền mà chỉ có giấy tờ tùy thân.

Bằng lý thuyết về sai lầm, anh (chị) hãy xác định A phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình hay không? Tại sao?

Bài tập 16

Vì muốn giết người có bất đồng với mình A đã nghiên cứu lịch và nơi sinh hoạt của B. A quan sát thấy trên giường B thường nằm có người đang ngủ. A lẻn vào nhà dùng dao găm đâm nhiều nhát liên tiếp, nhưng không thấy B phản ứng. Giám định pháp y xác định B đã chết trước đó vì một cơn đau tim.

Anh (chị) hãy xác định:

1. A có phạm tội hay không?

2. Bạn dùng lý thuyết nào sau đây để xác định về trách nhiệm đối với A:

– Lý thuyết về quan hệ nhân quả;

– Lý thuyết về sai lầm và ảnh hưởng của sai lầm đến trách nhiệm hình sự.

CHƯƠNG 3: CÁC CHẾ ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN TỘI PHẠM

I. Trắc nghiệm tự luận: Hãy xác định các các nhận định sau đúng hay sai? Tại sao?

1. Mọi trường hợp biểu lộ ý định phạm tội đều không bị xử lý theo pháp Luật Hình sự.

2. Mức độ thực hiện tội phạm là một trong những căn cứ ảnh hưởng đến mức độ TNHS.

3. Tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức thì không có giai đoạn phạm tội chưa đạt.

4. Tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hết các hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm.

5. Tội phạm có cấu thành vật chất được coi là hoàn thành khi người phạm tội đã thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả của tội phạm.

6. Thời điểm tội phạm kết thúc có thể xảy ra trước khi tội phạm hoàn thành.

7.Thời điểm tội phạm kết thúc có thể xảy ra sau khi tội phạm hoàn thành.

8. Thời điểm tội phạm hoàn thành là thời điểm hành vi phạm tội đã thực sự chấm dứt trên thực tế.

9. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là trường hợp không bị coi là tội phạm.

10. Nếu người phạm tội chấm dứt thực hiện tội phạm một cách tự nguyện và dứt khoát thì được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

11. Mọi trường hợp có từ hai người bất kỳ trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm là đồng phạm.

12.Mọi trường hợp có từ hai người trở lên cố ý thực hiện một tội phạm là đồng phạm.

13. Hành vi của mỗi người đồng phạm đều là nguyên nhân trực tiếp đưa đến hậu quả chung của tội phạm.

14. Bàn bạc thỏa thuận trước về việc cùng thực hiện tội phạm là dấu hiệu bắt buộc của đồng phạm.“Cùng mục đích” là dấu hiệu bắt buộc của đồng phạm.

15. Đối với những tội phạm có chủ thể đặc biệt, những người đồng phạm buộc phải có dấu hiệu của chủ thể đặc biệt.

16. Người thực hành chỉ là người tự mình thực hiện hành vi phạm tội.

17. Việc xác định giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm phải căn cứ vào hành vi của người thực hành.

18. Giúp sức để kết thúc tội phạm vào thời điểm sau khi tội phạm hoàn thành là đồng phạm.

19. Hành vi giúp sức trong đồng phạm phải được thực hiện trước khi người thực hành bắt tay vào việc thực hiện tội phạm.

20. Đồng phạm phức tạp là phạm tội có tổ chức.

21. Những người đồng phạm khác phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi tội phạm do người thực hành thực hiện trên thực tế.

22. Mọi hành vi cố ý chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có đều coi là hành vi giúp sức trong đồng phạm.

23. Tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi là tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự.

24. Tình tiết loại trừ tính có lỗi là tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự.

25. Tình trạng không có năng lực TNHS là tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự.

26. Trong phòng vệ chính đáng, chỉ có người bị tấn công mới có quyền phòng vệ.

27. Hành vi tấn công của người không có năng lực trách nhiệm hình sự dù nguy hiểm đáng kể cho xã hội cũng không làm phát sinh quyền phòng vệ.

28. Phạm tội do phòng vệ quá muộn là phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

29. Hành vi của con người không thể là nguồn nguy hiểm trong tình thế cấp thiết.

30. Hành vi phòng vệ được coi là trong giới hạn cần thiết nếu thiệt hại gây ra cho người tấn công nhỏ hơn thiệt hại mà người tấn công gây ra hoặc đe dọa gây ra.

31. Thiệt hại gây ra trong tình thế cấp thiết phải là thiệt hại nhỏ nhất để khắc phục tình trạng nguy hiểm.

II. BÀI TẬP

Bài tập 1

Vũ Đức Dũng và Đỗ Văn Thắng bàn bạc với nhau về việc đến nhà ông Hương ở xóm bên ăn trộm xe máy. Khi đi, cả hai chuẩn bị một đèn pin, một chùm chìa khóa vạn năng. Khi cả hai đến cách nhà ông Hương khoảng 30 mét thì bị tổ dân phòng kiểm tra và phát hiện bắt giữ. Thắng và Dũng khai nhận toàn bộ ý định trộm cắp xe máy của nhà ông Hương như đã nêu trên.

Hãy xác định Dũng và Thắng thực hiện hành vi nêu trên ở giai đoạn nào? Chúng có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?

(Biết rằng trường hợp này được quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS).

Bài tập 2

Trường, Hiếu, Ngọc là những đối tượng lưu manh chuyên nghiệp. Biết nhà ông Bằng có nhiều tiền do trúng xổ số, bọn chúng bàn cách lấy trộm. Theo kế hoạch Hiếu và Ngọc đã tẩm thuốc độc vào thức ăn giết chết hai con chó nhà ông Bằng.

Tối hôm đó, Trường, Hiếu, Ngọc mang theo dụng cụ đến phục kích ở sau vườn nhà ông Bằng. Vì nhà đông người nên chúng rút lui. Tối hôm sau, theo hẹn Trường, Hiếu đến điểm phục kích còn Ngọc thì không đến. Không thấy Ngọc đến, Hiếu đã đến nhà Khiêm rủ Khiêm tham gia.

Đến nửa đêm khi gia đình ông Bằng ngủ say. Hiếu đứng ngoài canh gác, Trường và Khiêm vào cạy tủ. Nghe tiếng động ông Bằng thức dậy. Bị lộ, cả bọn bỏ chạy, sau đó bị dân phòng bắt được.

Anh (chị) hãy xác định:

1. Những người trên phạm tội ở giai đoạn nào? Tại sao?

2. Ngọc có được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không? Tại sao? Nếu:

a) Ngọc không đến vì lo sợ bị phát hiện;

b) Ngọc không đến vì bị bệnh phải đi cấp cứu cấp cứu ở bệnh viện.

3. Trong vụ án trên có đồng phạm không? Nếu có hãy xác định vai trò của mỗi người trong đồng phạm.

4. Xét về dấu hiệu chủ quan, hình thức đồng phạm trong vụ án này là loại nào?

5. Xét về dấu hiệu khách quan, hình thức đồng phạm trong vụ án này là loại nào?

6. Tình huống trên có phải là trường hợp phạm tội có tổ chức không? Tại sao?

Bài tập 3

A và anh X là người có mâu thuẫn trong kinh doanh nên A nảy sinh ý định giết anh X. Để thực hiện ý định A đã chỉ đạo cho B là đàn em của mình lên kế hoạch giết anh X. B đã thuê hai đối tượng giết người thuê là C và D thực hiện việc giết người và B đã cung cấp đầy đủ thông tin và lịch trình sinh hoạt của anh X cho C và D. Khi thực hiện, C chở D đến trước con hẻm nhà anh X, D một mình đi vào nhà anh X, khi D bấm chuông nhà anh X thì có anh Y là anh ruột của anh X ra mở cửa. Do nhầm lẫn anh X với anh Y nên D đã dùng dao đâm nhiều nhát vào ngực và bụng của anh Y, sau đó chạy ra đầu hẻm lên xe cho C chở chạy thoát.

Anh Y được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không chết mà chỉ bị thương với tỷ lệ thương tật 60%.

Anh (chị) hãy xác định:

1. Hành vi giết người của C và D thuộc loại sai lầm nào? Loại sai lầm đó có ảnh hưởng như thế nào đến trách nhiệm hình sự?

2. Hành vi giết người của C và D thuộc giai đoạn nào? Tại sao?

3. A và B có đồng phạm với C và D trong vụ giết người nêu trên không? Nếu có thì vai trò của từng người như thế nào?

Hành vi giết người nêu trên có thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức không? Tại sao?

Bài tập 4

Vì mâu thuẫn cá nhân, A lên kế hoạch giết B sau khi nghiên cứu lịch sinh hoạt của B. Lựa chọn địa điểm và thời gian thích hợp, A quyết định ra tay. B trên đường trở về nhà sau khi đi chơi với bạn gái về vào lúc 22h thì A canh sẵn ở vị trí lựa chọn và bắn vào B. Do trời tối, ánh sáng đèn phố không đủ sáng nên B không trúng đạn. Sau phát bắn không thành đó, A mang súng về không muốn giết B nữa.

Anh (chị) hãy xác định:

1. Hành vi của A có đủ điều kiện về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội giết người không?

2. A có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người không? (biết rằng hành vi giết người được quy định tại Điều 123 BLHS)

3. A có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng vũ khí trái phép không? (biết rằng hành vi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng được quy định tại Điều 304 BLHS)

Bài tập 5

A là bạn của B đến nhà B chơi, nhưng B vừa mới qua nhà hàng xóm chơi cờ nên A không gặp B. Thấy nhà không khóa và có chiếc xe gắn máy để ngoài sân, A liền lấy chiếc xe máy đem về nhà cất. Nhà B phát hiện mất xe, tìm kiếm khắp nơi. A sợ bị phát hiện nên ngày hôm sau lén đem chiếc xe trả lại chỗ cũ nhân lúc gia đình B đi vắng.

Anh (chị) hãy xác định hành vi của A có phải là trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không?

Bài tập 6

A và B cùng thống nhất rủ nhau đi dọc phố tìm cơ hội để trộm cắp xe gắn máy. Nhân lúc ông C để xe bên lề đường vào mua báo, A và B dùng khóa vạn năng nhanh chóng mở khóa để lấy xe của ông C thì bị bắt giữ.

(Biết rằng hành vi này được quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS).

Anh (chị) hãy xác định:

1. Hành vi phạm tội của A, B thực hiện ở giai đoạn nào?

2. Nếu A (17 tuổi), B (15 tuổi) thì A và B có đồng phạm hay không? Tại sao?

Bài tập 7

Ngày 15/10, trong khi đang ngồi uống nước với một số thanh niên, A nói: “Tao vừa qua cảng thấy hàng về nhiều lắm, đêm nay đứa nào bạo gan ra đó nhất định kiếm được”. Trong số những người ngồi uống nước có B và C là những tên chuyên trộm cắp, nghe A nói vậy, liền thống nhất kế hoạch và đêm đó đã vào cảng trộm một số hàng hóa trị giá 60 triệu đồng. Sau khi lấy được hàng hóa ở cảng, B và C mang đến gửi ở nhà D. D biết số hàng này do trộm cắp có được nhưng vẫn đồng ý nhận giữ.

(Biết rằng hành vi trộm cắp tài sản trong vụ án này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 173 BLHS).

Anh (chị) hãy xác định:

1. A có phải là người xúi giục B và C phạm tội “trộm cắp tài sản” không? Tại sao?

2. D có đồng phạm về tội trộm cắp tài sản với những người phạm tội trong vụ án này không? Tại sao?

Bài tập 8

A và B là bạn bè. Nhân lúc đang ngồi uống cà phê A rủ B cùng đi ăn trộm ở nhà bà Q. B từ chối vì bà Q là người cùng xóm. Theo yêu cầu của A, B đã vẽ sơ đồ của nhà bà Q, chỉ vị trí tài sản trong nhà. Không rủ được B cùng tham gia, A tự thực hiện lấy một mình, lấy được một chiếc xe gắn máy và một số quần áo, bán lấy tiền chi xài, không chia cho B.

Hãy xác định A và B có đồng phạm hay không? Nếu có, hãy xác định vai trò của mỗi người?

Bài tập 9

A là phụ nữ đã có gia đình. Cuộc sống vợ chồng không thuận hòa, hay cãi nhau. Trong những lần như vậy, A thường bị chồng đánh đập rất tàn nhẫn. A muốn giết chồng nên đã thuê B là tên lưu manh chuyên nghiệp. Sau khi ngã giá A và B đi đến thỏa thuận B nhận lời giết chồng của A và sẽ được nhận 20 triệu đồng và sự việc xảy ra sau đó như đã thỏa thuận.

Anh (chị) hãy xác định:

1. Có đồng phạm trong việc giết người không? Tại sao?

2. Nếu có đồng phạm, hãy xác định vai trò đồng phạm của mỗi người?

3. Mức độ trách nhiệm hình sự của từng người như thế nào?

Bài tập 10

A, B, C là một nhóm thanh niên có nhiều tiền án, tiền sự. Chúng đã thống nhất kế hoạch hành động là đột nhập vào nhà của một người để lấy trộm chiếc xe máy trị giá 50 triệu đồng. Theo sự phân công, A đứng ngoài cảnh giới, trong lúc gia đình chủ nhà ngủ say B và C lẻn vào lấy chiếc xe máy. B và C bị phát giác, cả gia đình chủ nhà hô hoán đuổi bắt. Cả hai chạy ra cửa thì bị con trai chủ nhà giữ C lại. Sẵn có dao trong người, C đâm chết anh thanh niên đó. A và B thì chạy thoát.

Biết rằng trong vụ án này có hai tội phạm là tội giết người (Điều 123 BLHS) và tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS); tội giết người quy định dấu hiệu hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc.

Anh (chị) hãy xác định:

1. Hành vi trộm cắp tài sản trong tình huống trên được thực hiện ở giai đoạn nào?

2. Hành vi giết người trong tình huống trên được thực hiện ở giai đoạn nào?

3. Có đồng phạm trong tội trộm cắp tài sản không? Nếu có thì mỗi người thực hiện tội phạm với vai trò nào, mức độ trách nhiệm ra sao?

4. Có đồng phạm trong tội giết người không? Tại sao?

Bài tập 11

A, B, C là bạn bè trong cùng xóm. Do có mâu thuẫn với một số thanh niên phường bên nên A thường bị họ hiếp đáp. A kể lại cho B và C nghe. Khi nghe A kể, B và C cùng A thống nhất đến phường bên để hỏi đám thanh niên kia. Cả ba thống nhất rằng nếu nói chuyện phải quấy không thành thì đánh nhau để đám thanh niên không dám hiếp đáp A nữa. Trước khi đi, C đã giắt theo một con dao nhỏ (A và B không biết). Khi đến nơi, sau khi nói chuyện không thành A, B, C cùng đám thanh niên ẩu đả lẫn nhau. C bất thình lình rút dao đâm tới tấp vào một người trong đám thanh niên. A, B thấy vậy xông tới ngăn không cho C tiếp tục đâm. Người bị hại chết trên đường cấp cứu.

Hãy xác định: A, B có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đâm người của C hay không? Tại sao?

Bài tập 12

A đang đi đường thì gặp B – một thanh niên không quen biết, đã say xỉn đòi A cho điếu thuốc lá. A không chịu và bỏ đi. B cho là A coi thường mình nên đã rút dao giắt ở thắt lưng ra đâm A sượt qua bờ vai. A bỏ chạy nhưng B vẫn rượt đuổi cùng với con dao găm trên tay. Gặp hẻm cụt, A hết đường chạy, nên đã quay mặt lại đối diện với B, giằng được dao đâm nhiều nhát vào ngực của B. B chết tại chỗ.

Anh (chị) hãy xác định:

1. Trong tình huống trên quyền phòng vệ có khởi phát không?

2. A có phải chịu trách nhiệm hình sự về cái chết của B không? Tại sao?

Bài tập 13

H là trạm trưởng một trạm kiểm lâm của Hạt kiểm lâm thuộc tỉnh Q, nơi mà một thời gian dài rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Trong một lần đi tuần tra, trạm của H bắt được một bè gỗ khai thác trái phép nhưng không biết chủ số gỗ là ai nên H lệnh cho anh em đưa về trạm. Trưa hôm đó, S là chủ số gỗ trên vác dao vào trạm bảo với H là tại sao thu gỗ của S. Vừa nói S vừa đập phá đồ đạc, dùng dao khống chế anh em kiểm lâm và bắt mọi người khuân gỗ trả lại bè. H cản lại thì bị S chém 2 nhát vào tay bị thương. H vào trạm lấy khẩu súng AK lên đạn, bắn một phát chỉ thiên và lệnh cho S dừng tay. S cầm dao đi về phía H. H chĩa súng vào người S và bắn 3 phát ở khoảng cách 3m. Hậu quả là S trúng 3 viên đạn, viên đầu tiên từ trước ra sau xuyên đầu gối trái, 2 viên sau từ lưng xuyên qua tim ra phía ngực và chết ngay sau đó một thời gian ngắn.

Hành vi của H có được coi là phòng vệ chính đáng hay không? Tại sao?

CHƯƠNG 4: HÌNH PHẠT VÀ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT

I. Trắc nghiệm tự luận: Các nhận định sau đúng hay sai? Tại sao?

1. Án tích là một trong những hình thức của trách nhiệm hình sự.

2. Trách nhiệm hình sự chấm dứt khi người phạm tội chấp hành xong hình phạt.

3. Ngăn ngừa người khác phạm tội là mục đích phòng ngừa riêng của hình phạt.

4. Hình phạt là một trong những hình thức của TNHS.

5. Người phạm một tội có thể phải chịu nhiều hình thức của TNHS.

6. TNHS chỉ áp dụng đối với người phạm tội.

7. Người phạm tội làm tiền giả theo quy định tại Khoản 1 Điều 207 BLHS thì có thể bị áp dụng hình phạt cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

8. Mọi trường hợp áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đều phải khấu trừ thu nhập của người bị kết án.

9. Thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo Điều 41 BLHS chỉ được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

10. Có thể áp dụng hình phạt tước một số quyền công dân cho người thực hiện tội phạm khủng bốtheo quy định tại Điều 299 BLHS.

11. Hình phạt quản chế được tuyên kèm với tất cả các loại hình phạt chính.

12. Biện pháp “tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm” (Điều 47 BLHS) chỉ có thể áp dụng đối với người phạm tội.

13.Biện pháp tư pháp có thể được áp dụng thay thế cho hình phạt.

14. Tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của BLHS chỉ được áp dụng khi chính người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.

15. Không áp dụng tình tiết “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” (điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS) trong trường hợp phạm tội do lỗi vô ý.

16. Phạm tội nhiều lần là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.

17. Một trong những điều kiện để áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 BLHS là phải cố ý phạm tội từ 5 lần trở lên về cùng một tội phạm.

18. Mọi trường hợp đã bị kết án đều có án tích.

19. Mọi trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà phạm tội mới đều bị coi là tái phạm.

20. Đang chấp hành bản án mà phạm tội mới là tái phạm.

21. Mọi trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì Tòa án được áp dụng Điều 54 BLHS khi quyết định hình phạt.

22. Trong trường hợp có nhiều bản án, thời gian thực tế mà người bị kết án phải chấp hành hình phạt tù có thời hạn có thể trên 30 năm.

23. Trong Luật Hình sự Việt Nam, phương pháp thu hút hình phạt được sử dụng để tổng hợp hình phạttù có thời hạn với hình phạt cải tạo không giam giữ.

24. Có thể quyết định mức hình phạt 12 năm tù cho người phạm tội giết người chưa đạt thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 123 BLHS.

25. Mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với trường hợp phạm tội chưa đạt là 20 năm tù.

26. Nếu trong thời hạn luật định, người phạm tội cố tình trốn tránh thì thời gian trốn tránh không được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

27. Thời hiệu thi hành bản án theo Điều 60 BLHS là thời hiệu thi hành đối với quyết định về hình phạt và các quyết định khác của bản án hình sự.

28. Trong trường hợp người bị kết án phạt tù được hoãn chấp hành hình phạt tù thì thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

29. Người được miễn trách nhiệm hình sự thì không có án tích.

30. Thẩm quyền miễn trách nhiệm hình sự chỉ thuộc về Tòa án.

31. Đặc xá là một trường hợp miễn trách nhiệm hình sự.

32. Đặc xá là biện pháp chỉ được áp dụng cho người bị kết án phạt tù có thời hạn.

33. Người được đặc xá thì không có án tích.

34. Đại xá có thể được áp dụng cho người đã thực hiện hành vi phạm tội mà chưa bị kết án.

35. Đại xá là biện pháp chỉ được áp dụng cho người đang chấp hành hình phạt. 36. Thẩm quyền miễn hình phạt chỉ thuộc về Tòa án.

37. Chấp hành bản án là chấp hành hình phạt.

38. Người bị kết án phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi đều được hoãn chấp hành hình phạt tù.

39. Án treo là một loại hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn.

40. Chấp hành thời gian thử thách của án treo là chấp hành hình phạt.

41. Điều kiện thử thách của án treo chỉ là người bị kết án không phạm tội mới trong thời gian thử thách.

42. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự hai lần trở lên thì Toà án quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

43. Án treo chỉ áp dụng cho người phạm tội ít nghiêm trọng.

44. Toà án có thể áp dụng hình phạt bổ sung đối với người được hưởng án treo. 45. Thời gian thử thách của án treo được tính từ ngày bản án treo có hiệu lực pháp luật.

46. Thời gian thử thách của án treo tối thiểu phải bằng mức hình phạt tù mà Toà án tuyên đối với người được hưởng án treo.

47. Trong thời gian thử thách nếu người được hưởng án treo bị đưa ra xét xử về một tội phạm khác thì phải chấp hành hình phạt tù đã được cho hưởng án treo. 48. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích khi chấp hành xong bản án. 49. Mọi người bị kết án đều có án tích.

50. Người được hưởng án treo đương nhiên được xóa án tích khi hết thời gian thử thách của án án treo.

51. Trong những trường hợp có án tích, thời điểm bắt đầu có án tích là khi bản án có hiệu lực pháp luật.

52. Mọi trường hợp có án tích đều đương nhiên được xoá án tích.

53. Tha tù trước thời hạn có điều kiện là biện pháp chỉ được áp dụng đối với người đã bị kết án phạt tù có thời hạn.

54. Trong mọi trường hợp, để có thể được áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện thì người đang chấp hành án phạt tù phải đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù.

55. Trong thời gian thử thách, nếu người được tha tù trước thời hạn có điều kiện bị đưa ra xét xử về một tội phạm khác thì Toà án buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành.

56. Trong thời gian thử thách, nếu người được tha tù trước thời hạn bị xử phạt vi phạm hành chính hai lần trở lên thì Toà án buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành.

57. Thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện bằng hai lần mức thời gian còn lại của phần hình phạt tù chưa chấp hành.

58. Án đã tuyên đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì không được tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

59. Tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm không được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

60. Các biện pháp giám sát, giáo dục chỉ được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp người này được miễn trách nhiệm hình sự.

61. Để áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì phải được sự đồng ý của người phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

62. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.

63. Người dưới 18 tuổi đã bị kết án không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn 3 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính thì đương nhiên được xoá án tích.

64. Mọi hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại thì pháp nhân đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

65. Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự tất cả các tội phạm.

66. Cá nhân thực hiện phạm tội nhân danh pháp nhân thương mại, vì lợi ích của pháp nhân thương mại và theo sự chỉ đạo của pháp nhân thương mại thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

67. Pháp nhân thương mại phạm tội thì không có án tích.

II. BÀI TẬP

Bài tập 1

A là tiếp viên hàng không phạm tội buôn lậu được quy định tại Điều 188 BLHS. Hãy xác định quyết định về hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với A đúng hay sai trong các tình huống sau:

1. A bị xử phạt về tội buôn lậu theo khoản 1 và khoản 5 Điều 153 BLHS với mức án 3 năm tù và tịch thu một phần tài sản;

2. A bị xử phạt về tội buôn lậu theo khoản 2 và khoản 5 Điều 188 BLHS với mức án là 7 năm tù, phạt tiền 20 triệu đồng và cấm hành nghề tiếp viên hàng không 2 năm;

3. A bị xử phạt về tội buôn lậu theo khoản 4 và khoản 5 Điều 188 BLHS với mức án là chung thân và tịch thu toàn bộ tài sản.

Bài tập 2

A phạm tội cố ý gây thương tích nên bị Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 134 BLHS.

Hãy xác định phần hình phạt còn lại mà A phải tiếp tục chấp hành là bao lâu, nếu:

1. Trong quá trình điều tra vụ án A đã bị tạm giữ 3 ngày và tạm giam 2 tháng và bị Tòa án tuyên 1 năm cải tạo không giam giữ;

2. Trong quá trình điều tra vụ án A đã bị tạm giam 2 tháng và bị Tòa án tuyên phạt tù 2 năm.2.

Bài tập 3

A (17 tuổi) phạm tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và bị đưa ra xét xử theo khoản 1 Điều 180 BLHS. Xét tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội do A thực hiện còn hạn chế, hoàn cảnh cơ nhỡ không có cha mẹ, không gia đình nên Hội đồng xét xử đưa ra 2 phương án:

1. Phương án thứ nhất là áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với A và áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với A với thời hạn là 2 năm.

2. Phương án thứ hai là không áp dụng hình phạt cảnh cáo mà chỉ áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng với thời hạn là 2 năm đối với A

Hỏi: Nếu anh/chị rơi vào tình huống này, phương án nào được anh/chị lựa chọn. Chỉ rõ cơ sở pháp lý?

Bài tập 4

Tùng 17 tuổi là con trai của chủ cơ sở sửa chữa xe ô tô. Do việc đua xe trái phép gây tai nạn giao thông nên Tùng đã bị kết án về tội đua xe trái phép theo khoản 1 Điều 266 BLHS với mức án 1 năm tù. Hãy xác định đường lối xử lý đối với chiếc xe ô tô đó, nếu:

1. Chiếc xe ô tô đó là của khách hàng yêu cầu sửa chữa. Xe được sửa chữa xong, chưa kịp giao cho khách thì Tùng lén lấy đem đua xe và bị bắt giữ.

2. Chiếc xe ô tô đó thuộc quyền sở hữu của cha Tùng. Cha Tùng thường cho con mình sử dụng chiếc xe ô tô này để đi chơi. Trong lần đua xe này, ông cũng cho phép Tùng lấy xe đi chơi như mọi lần.

(Gợi ý: Xem thêm Luật giao thông đường bộ).

Bài tập 5

H là một thanh niên độc thân, đã có hành vi mua bán trái phép chất ma túy trong một thời gian dài. H bị bắt quả tang cùng với 2 kg hêrôin được giấu trong cốp xe ô tô hiệu BMW do chính H đứng tên. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định tài sản của H gồm có:

– Một chiếc xe ô tô hiệu BMW trị giá 50.000 USD;

– Một căn nhà có trị giá 300 triệu là tài sản thừa kế từ cha mẹ;

– Một nhà hàng trị giá 5 tỷ VND do H đầu tư từ lợi nhuận thu được do buôn bán ma túy.

Biết rằng hành vi mua bán trái phép chất ma túy của H thuộc trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 251 BLHS

Câu hỏi:

1. Dựa vào quy định của BLHS Tòa án phải áp dụng biện pháp nào để xử lý 2 kg hêrôin?

2. Dựa vào quy định của BLHS Tòa án phải áp dụng biện pháp nào liên quan đến tài sản của H.

Bài tập 6

A mượn xe Honda của B. Sau khi mượn được xe, A đã dùng chiếc xe này làm phương tiện cướp giật tài sản. Vụ việc bị phát giác, A bị Tòa án xét xử về tội cướp giật tài sản theo khoản 1 Điều 171 BLHS. Tòa án phải xử lý như thế nào đối với chiếc xe của B đã cho A mượn?

Bài tập 7

Ngày 20.10.2016, Nguyễn Văn A điều khiển mô tô loại 100 phân khối trên đường (A có bằng lái). Do phóng nhanh, không kiểm soát được tốc độ nên đã gây tai nạn giao thông làm chết 1 người. A bị Tòa án đưa ra xét xử theo khoản 1 Điều 260 BLHS 2015 và bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù. Xem xét về nhân thân của A thấy rằng: Ngày 30/7/2014, A đã bị kết án về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 BLHS 1999 và bị xử phạt 2 năm tù, bồi thường tiền viện phí 5.300.000 đồng. Ngày 30/7/2016 A đã chấp hành xong hình phạt tù. Ngày 30/8/2016 A đã bồi thường cho người bị hại và đóng án phí.

Anh (chị) hãy xác định:

1. Vào thời điểm phạm tội mới, A có bị coi là người đang có án tích hay không?

2. Khi xét xử tội phạm mới A có bị áp dụng tình tiết tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm không?

3. Thời hạn xóa án tích về tội cố ý gây thương tích mà A đã thực hiện là bao lâu và tính từ thời điểm nào? Chỉ rõ căn cứ pháp lý.

Bài tập 8

Ngày 25.10.2000, A đã phạm tội giết người có tính chất man rợ (lúc phạm tội A đã thành niên). Hành vi phạm tội của A được quy định tại khoản 1 Điều 93 BLHS năm 1999 (có mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình). A bỏ trốn. Cơ quan có thẩm quyền không phát hiện ra người thực hiện tội phạm nên vụ án bế tắc. Sau khi trốn về một tỉnh miền Tây, A đã thay đổi họ tên, đến sinh sống tại một thị trấn nhỏ. Tại đây A đã lấy vợ, chăm chỉ làm ăn, nên cuộc sống trở nên khấm khá. A đã có nhiều đóng góp cho địa phương, giúp đỡ vốn cho người có khó khăn về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương bằng cách mở rộng sản xuất, thu hút nhân công. Trong đối xử với công nhân, A đã thực hiện nhiều biện pháp giúp đỡ cho họ ổn định cuộc sống.

Một hôm, A thú nhận tội lỗi về việc giết người với vợ và kể lại những dằn vặt mà A thầm chịu đựng suốt những ngày tháng đã qua. Vợ A bàng hoàng và đã khuyên A ra trình diện. Ngày 20/7/2016, A đã ra trình diện với chính quyền địa phương, khai nhận tội lỗi. Vụ việc được đưa ra xét xử.

Hãy xác định có những phương án xử lý như thế nào đối với A. Chỉ rõ căn cứ pháp lý.

Bài tập 9

A là người đã thành niên phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 123 BLHS. Do A có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS nên Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS tuyên phạt A 5 năm tù. Hãy nhận xét về quyết định của Tòa án.

(Biết rằng trường hợp giết người của A thuộc trường hợp tội phạm hoàn thành).

Bài tập 10

A 18 tuổi đã cướp giật tài sản của người khác và bị truy tố theo Điều 171 BLHS. Áp dụng trường hợp quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng theo Điều 54 BLHS thì có bao nhiêu phương án quyết định hình phạt nhẹ hơn và hãy xác định mức hình phạt thấp nhất có thể áp dụng đối với A trong mỗi phương án nếu:

1. A bị xét xử theo khoản 1 Điều 171 BLHS;

2. A bị xét xử theo khoản 2 Điều 171 BLHS;

3. A bị xét xử theo khoản 4 Điều 171 BLHS.

Bài tập 11

A phạm tội trộm cắp tài sản bị Tòa án xử phạt 2 năm cải tạo không giam giữ theo khoản 1 Điều 173. Chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được 12 tháng thì A lại phạm tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 134 và bị tạm giam 3 tháng ngay sau khi gây án. Đối với tội cố ý gây thương tích, A bị Tòa án tuyên 3 năm tù giam.

Anh (chị) hãy tổng hợp hình phạt của hai bản án nói trên.

Bài tập 12

A phạm tội trộm cắp tài sản và bị Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 173 và Điều 65 BLHS xử phạt một năm tù và cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 2 năm. 6 tháng sau kể từ ngày chấp hành xong thời gian thử thách, A phạm tội vô ý làm chết người theo Điều 128 BLHS.

Hãy cho biết A có tái phạm không? Tại sao? Nếu:

1. Hành vi của A thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 128 BLHS;

2. Hành vi của A thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 128 BLHS.

Bài tập 13

A 17 tuổi phạm tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 168 BLHS.

Anh (chị) hãy xác định:

1. Mức hình phạt tối đa có thể áp dụng đối với A là bao nhiêu? Căn cứ pháp lý;

2. Xác định thời hạn xóa án tích đối với A là bao lâu và tính từ thời điểm nào nếu A bị Tòa án tuyên phạt bốn năm tù;

3. Tòa án có thể phạt tiền theo khoản 6 Điều 168 BLHS đối với A được không? Tại sao?

4. A có bị xem là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm không nếu trong khi đang chấp hành hình phạt tù về tội cướp tài sản nêu trên A lại phạm tội cố ý gây thương tích theo khoản 5 Điều 134 BLHS.

Bài tập 14

A (17 tuổi), B (15 tuổi) và C (18 tuổi) cùng nhau thực hiện hành vi giết người. Căn cứ vào khoản 1 Điều 123 BLHS, Tòa án tuyên phạt A 18 năm tù giam; B 15 năm tù giam; C 17 năm tù giam. Tòa án áp dụng khoản 4 Điều 123 BLHS tuyên phạt 2 năm quản chế đối với A và 1 năm quản chế đối với C.

Anh (chị) hãy nhận xét về quyết định trên của Tòa án.

Bài tập 15

A phạm tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 BLHS và bị Tòa án tuyên phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 4 năm. Chấp hành được 1 năm thử thách thì A lại phạm tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS.

Về tội mới này, A bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù và 1 năm quản chế.

Anh (chị) hãy xác định:

1. Các quyết định về hình phạt của Tòa án đối với A về tội trộm cắp tài sản là đúng hay sai? Tại sao?

2. Trong lần phạm tội trộm cắp tài sản, A có bị coi là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm hay không? Tại sao?

Bài tập 16

A sinh ngày 25/12/1998. Ngày 12/8/2016, A phạm tội giết người. Dựa vào quy định của BLHS 2015, anh/chị hãy xác định mức hình phạt tối đa có thể áp dụng đối với A (chỉ rõ căn cứ pháp lý):

1. A bị xét xử theo khoản 1 Điều 123 BLHS;

2. A bị xét xử theo khoản 2 Điều 123 BLHS.

Bài tập 17

A phạm tội giết người (ở giai đoạn phạm tội chưa đạt) theo khoản 2 Điều 123 BLHS.

Hãy xác định mức hình phạt tối đa có thể áp dụng đối với A trong vụ án này và chỉ rõ căn cứ pháp lý nếu khi phạm tội:

A 19 tuổi;

A 17 tuổi 6 tháng.

Bài tập 18

A phạm hai tội: giết người (khoản 1 Điều 123 BLHS) và trộm cắp tài sản (khoản 2 Điều 173 BLHS). Nay đưa ra xét xử cả hai tội trong một vụ án hình sự.

1. Hãy xác định mức tối đa của hình phạt chung của hai tội trên có thể áp dụng với A nếu:

a) A phạm tội giết người khi 17 tuổi bị tòa án tuyên phạt 15 năm tù và phạm tội trộm cắp tài sản khi 19 tuổi bị Tòa án tuyên phạt 4 năm tù;

b) A phạm tội trộm cắp tài sản khi 17 tuổi bị tòa án tuyên phạt 3 năm tù và giết người khi 19 tuổi bị tòa án tuyên phạt 18 năm tù.

2. Trường hợp của A có phải là trường hợp có nhiều bản án không? Tại sao?

Bài tập 19

Theo quy định của pháp luật, hành khách khi qua cửa khẩu biên giới không phải khai báo hải quan nếu chỉ mang số ngoại tệ tiền mặt trong giới hạn 5.000 USD. X (25 tuổi) đã mang 20.000 USD qua cửa khẩu mà không khai báo theo quy định của thủ tục Hải quan và bị bắt quả tang. Do vậy, X bị truy tố và xét xử về “tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” theo khoản 1 Điều 189 BLHS.

Anh (chị) hãy xác định:

1. Nếu áp dụng Điều 54 BLHS thì có bao nhiêu phương án lựa chọn hình phạt nhẹ hơn và mức hình phạt tối thiểu có thể áp dụng trong mỗi phương án?

2. Những hình phạt bổ sung nào có thể áp dụng đối với X?

3. Số tiền được coi là mang trái phép qua biên giới là bao nhiêu? Chỉ rõ căn cứ pháp lý và hướng xử lý đối với số tiền mà X mang trái phép qua biên giới.

Bài tập 20

A bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 174 BLHS và bị xử phạt 15 năm tù. Đang thụ hình trong trại giam được 3 năm thì A lại phạm tội cố ý gây thương tích cho bạn tù. Sự việc xảy ra là do có sự khiêu khích của người bị hại trong vụ án này. Về tội phạm mới, A bị xét xử theo khoản 5 Điều 134 BLHS và bị xử phạt 12 năm tù. Chi phí điều trị cho người bị hại là 50 triệu đồng. Gia đình của A đã gởi cho gia đình người bị hại 30 triệu đồng dùng để điều trị cho người bị hại.

Anh (chị) hãy xác định:

1. Trong lần phạm tội mới A có bị coi là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm không? Nếu là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm thì tình tiết đó có ý nghĩa là tình tiết tăng nặng TNHS theo Điều 52 BLHS hay là tình tiết định khung tăng nặng của tội phạm mới.

2. Trong việc thực hiện tội phạm mới có tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng TNHS nào không? Chỉ rõ căn cứ pháp lý?

3. Hãy tổng hợp hình phạt của hai bản án trên? Chỉ rõ căn cứ pháp lý.

4. Trong thời gian chấp hành hình phạt chung của 2 bản án, A phải chấp hành hình phạt bao lâu mới được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt lần đầu? Chỉ rõ căn cứ pháp lý.

5. Cần áp dụng biện pháp tư pháp nào đối với A? Chỉ rõ căn cứ pháp lý.

6. Thời hạn xóa án tích về các tội mà A đã thực hiện là bao lâu và tính từ thời điểm nào? Chỉ rõ căn cứ pháp lý.

Bài tập 21

A sinh ngày 15/11/1998 phạm hai tội: Tội cố ý gây thương tích theo khoản 5 Điều 134 BLHS vào ngày 01/7/2016 và tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 1 Điều 318 BLHS vào ngày 15/08/2016. A bị đưa ra xét xử về cả 2 tội vào ngày 5/3/2017.

Anh (chị) hãy xác định:

1. Tình huống trên có phải là trường hợp phạm nhiều tội không? Tại sao?

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội mà A đã thực hiện là bao lâu và tính từ thời điểm nào?

3. Về tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 BLHS), tòa án có thể xử phạt 1 năm quản chế đối với A không? Tại sao?

4. Mức hình phạt cao nhất mà tòa án có thể áp dụng đối với A về tội cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS)? Chỉ rõ căn cứ pháp lý.

5. Mức tối đa của hình phạt chung của hai tội trên có thể áp dụng đối với A là bao nhiêu? Chỉ rõ căn cứ pháp lý.

6. Mức hình phạt thấp nhất mà Tòa án có thể quyết định đối với A về tội cố ý gây thương tích nếu áp dụng Điều 54 BLHS đối với tội này.

Bài tập 22

A (17 tuổi) phạm tội cướp giật tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 171 BLHS và bị tòa án tuyên phạt 3 năm tù, phải bồi thường cho người bị hại 3 triệu đồng và nộp án phí.

Anh (chị) hãy xác định:

1. Thời hiệu thi hành bản án về tội cướp giật tài sản nêu trên là mấy năm? Chỉ rõ căn cứ pháp lý.

2. Thời điểm xóa án tích về tội cướp giật tài sản, nếu ngày 1/7/2016 A chấp hành xong hình phạt tù, ngày 30/7/2016 A thực hiện xong bồi thường cho người bị hại và ngày 1/8/2016 A đã đóng án phí.

3. Tòa án có thể phạt tiền theo khoản 5 Điều 171 BLHS đối với A được không? Tại sao?

Bài tập 23

A phạm tội (tội X) và bị Tòa án tuyên phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 4 năm. Chấp hành được 2 năm thử thách thì A bị đưa ra xét xử về một tội phạm khác (tội Y).

Hãy tổng hợp hình phạt đối với A trong trường hợp nếu tội phạm Y Tòa án tuyên:

1. Phạt tù 3 năm;

2. Phạt cải tạo không giam giữ 2 năm;

3. Phạt tiền 5 triệu đồng.

Bài tập 24

Tháng 8/2016, A phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS và bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù. Sau khi chấp hành hình phạt tù được 2 năm, do có đủ điều kiện nên A được Tòa án quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện với thời gian thử thách là 1 năm. Chấp hành được 5 tháng thử thách thì A bị đưa ra xét xử về tội gây rối trật tự công cộng quy định tại khoản 1 Điều 318 BLHS.

Hãy tổng hợp hình phạt đối với A trong trường hợp nếu tội gây rối trật tự công cộng Tòa án tuyên:

1. Phạt tù 1 năm;

2. Phạt cải tạo không giam giữ 2 năm;

3. Phạt tiền 20 triệu đồng.

Bài tập 25

Pháp nhân thương mại A bị tòa án tuyên phạt 500 triệu đồng về hành vi buôn lậu (khoản 1 và điểm a khoản 6 Điều 188 BLHS). Anh (chị) hãy xác định:

1. Có thể áp dụng các hình phạt bổ sung nào đối với pháp nhân thương mại A? Tại sao?

2. Thời hiệu thi hành bản án đối với pháp nhân thương mại A là bao lâu và tính từ khi nào? Tại sao?

 

 


Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn