Hướng dẫn trình tự các bước giải bài tập Thừa kế môn Luật Dân sự

 

Hướng dẫn trình tự các bước giải bài tập Thừa kế môn Luật Dân sự

Để giải bài tập về thừa kế, mình thường đi theo các bước sau:


Bước 1: Vẽ sơ đồ phả hệ

Bạn không cần đưa bước này vào bài làm nhưng đây là bước không thể thiếu khi làm BT chia thừa kế. 


Bước 2: Xác định thời hiệu yêu cầu chia thừa kế

Quyền yêu cầu chia thừa kế, quyền yêu cầu xác nhận hoặc bác bỏ quyền thừa kế đều phải thực hiện trong một thời hạn nhất định. Do đó, nếu việc thực hiện quyền nằm ngoài thời hiệu luật định thì các chủ thể có quyền được xem là từ bỏ quyền của mình và đương nhiên dẫn đến hậu quả pháp lý là các quyền đó sẽ không được pháp luật công nhận nữa. Thời hiệu thừa kế được quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015.


Bước 3: Xác định di sản người chết để lại

- Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Do đó, đầu tiên, phải xác định người chết là người độc thân hay đã kết hôn. Nếu kết hôn, xác định tiếp tài sản nào là tài sản riêng, tài sản nào là tài sản chung. Việc xác định 02 dạng tài sản này sẽ dựa vào các quy định sau: Điều 205, Điều 209, Điều 210 Bộ luật Dân sự 2015.

 

+ Các tài sản thuộc quyền sở hữu riêng gồm có: thu nhập hợp pháp; nhà ở; tư liệu sinh hoạt; của cải để dành; các quyền về tài sản mà người để thừa kế được hưởng theo quan hệ hợp đồng hoặc do được bồi thường thiệt hại; cũng có thể có cả tài sản thừa kế nhận được từ người khác nên phải chú ý để cộng thêm khoản này vào khối di sản ban đầu.


+ Các tài sản thuộc sở hữu chung với người khác: điển hình của dạng tài sản này đó là tài sản chung của vợ chồng. Nếu đã là vợ chồng thì áp dụng nguyên tắc chia đôi tài sản chung của vợ chồng theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình 2014, nhưng có tính đến các yếu tố như: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập...

 

Lưu ý: Di sản phải là những tài sản hợp pháp của người chết, còn các tài sản phi pháp sẽ không được chấp nhận để trở thành di sản thừa kế mà tùy trường hợp cụ thể sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Bước 4: Xác định hình thức phân chia di sản

 

Có hai hình thức chia di sản thừa kế là chia theo di chúc và theo pháp luật. Trong đó, di chúc là sự thể hiện ý chí của người chết. Do vậy, phải xác định xem có di chúc hay không? Di chúc có hợp pháp hay không? Có hiệu lực toàn bộ hay một phần?

 

- Kiểm tra dữ kiện đề bài xem người chết có để lại di chúc hay không. Nếu có thì bạn phải xét đến tính hợp pháp về cả nội dung và hình thức của di chúc đó (đối chiếu với Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015)

 

- Sau khi xem xét di chúc, nếu đây là di chúc hợp pháp thì chia thừa kế theo di chúc.

 

- Nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì thực hiện chia thừa kế theo pháp luật (Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015).

 

Lúc này, khi rơi vào các trường hợp chia theo pháp luật thì di sản sẽ được phân chia tiếp theo thứ tự sau:

 

Bước 4.1: Xác định người thừa kế theo pháp luật của từng hàng thừa kế theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015

 

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.



Theo đó, việc chia di sản theo pháp luật phải tuân thủ các nguyên tắc sau:



Một là, thứ tự ưu tiên được chia di sản thừa kế lần lượt từ hàng thừa kế thứ nhất; thứ hai và cuối cùng là hàng thừa kế thứ ba. Những người thuộc hàng thừa kế tiếp theo chỉ được hưởng khi không còn ai thuộc hàng thừa kế trước do đã chết; không có quyền hưởng di sản; bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.


Hai là, trong trường hợp người thừa kế thuộc hàng thừa kế chết hết nhưng họ có con, cháu thì áp dụng thừa kế thế vị cho đối tượng đó chứ chưa chuyển sang hàng thừa kế tiếp theo.


Bước 4.2: Xác định những người được thừa kế   


Liệt kê danh sách những người thừa kế trong hàng thừa kế là căn cứ để xác định ai trong số đó sẽ nhận được di sản. Việc này được xác định thông qua loại bỏ những đối tượng không được nhận. Cụ thể người không được nhận di sản thừa kế là:


- Người không được quyền hưởng di sản (Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015)


- Người từ chối nhận di sản thừa kế (Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015).


Bước 4.3: Tiến hành chia di sản thừa kế        


Về nguyên tắc, di sản sẽ được chia đều cho những người trong hàng thừa kế. Kể cả người thừa kế đó mới thành thai lúc chia thừa kế mà sinh ra còn sống thì họ cũng được hưởng phần ngang với những người khác trong hàng thừa kế (Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015).


Trong quá trình chia, những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật. Nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật. Nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia (Khoản 2 Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015).


* Thừa kế thế vị (Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015)

 

Áp dụng khi con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người chết chứ không áp dụng đối với trường hợp người con chết sau người để lại di sản.

 

Thừa kế thế vị cũng chỉ áp dụng đối với trường hợp chia thừa kế theo pháp luật, không áp dụng đối với trường hợp chia thừa kế theo di chúc. Khi di chúc có phần để lại cho người đó nhưng người đó chết thì phần đó sẽ không phát sinh hiệu lực và được chia theo pháp luật, lúc này người cháu/chắt mới được hưởng thừa kế thế vị.


** Lưu ý:

 

Phải đảm bảo quyền lợi cho những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015). Đó là con chưa thành niên (hoặc thành niên nhưng mất khả năng lao động); cha, mẹ, vợ, chồng. Đây là những đối tượng phải đảm bảo được hưởng phần di sản từ 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật trở lên nếu di sản được chia theo pháp luật.


Bước 5: Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại


Nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại thường phát sinh từ:


- Quan hệ hợp đồng trước khi chết (vay, mượn, bồi thường thiệt hại,…);


- Do quyết định của cơ quan có thẩm quyền (tiền phạt, tiền thuế,…);


- Chi phí tiến hành ma chay, mai táng,…


Đây là những nghĩa vụ về tài sản bắt buộc phải thực hiện bằng di sản thừa kế theo thứ tự ưu tiên thanh toán tại Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015.


Lưu ý: Đối với những nghĩa vụ tài sản gắn liền với nhân thân người chết (tức là không thể di chuyển cho người khác được) thì không phải là di sản thừa kế của người đó.


Ví dụ: Nghĩa vụ cấp dưỡng cho vợ/con sẽ chấm dứt khi người chồng chết đi. Suy ra, các người thừa kế không phải thực hiện loại nghĩa vụ tài sản này.


Bước 6: Phân chia theo di chúc


Sau khi thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, phần di sản còn lại sẽ được đem chia thừa kế.


- Thứ nhất, xác định ai là người “từ chối nhận di sản thừa kế” (theo Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015).


- Thứ hai, những người được chia thừa kế theo di chúc phải còn sống sau thời điểm mở thừa kế. Pháp luật quy định người chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản sẽ không được thừa kế di sản (khoản 2 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015).


Tiến hành chia di sản như sau:


- Nếu trong di chúc không ghi rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.


- Nếu di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì thực hiện theo khoản 2 Điều 659 Bộ luật Dân sự 2015).


+ Di sản dùng vào việc thờ cúng không được phân chia (Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015).


+ Di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.


Lưu ý:

 

Nếu trong di chúc không xác định những đối tượng sau đây là người thừa kế thì bắt buộc phải thực hiện chia thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc (Điều 644  Bộ luật Dân sự 2015). Cụ thể, những đối tượng này sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật:

 

+ Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

 

+ Con thành niên mà không có khả năng lao động.

 

Như vậy, trên đây là các bước để chia thừa kế theo di chúc. Trong phần 2 mình sẽ nêu ra các bước chia thừa kế theo pháp luật.

Bài tập mẫu:
Ông A, bà B có con chung là C, D (đều đã thành niên và có khả năng lao động). C có vợ là M có con X,Y. D có chồng là N có một con là K. Di sản của A là 900 triệu. C chết trước A, A di chúc hợp pháp để lại toàn bộ di sản cho X.

Đáp án:

- Giả sử vẫn còn thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản (Điều 623 BLDS 2015).

- Di sản mà A để lại là 900 triệu. Vì trong bài đã nêu rõ 900 triệu là "di sản" của A nên đây là tổng di sản ban đầu.


- Trước khi chết, A để lại di chúc hợp pháp để lại toàn bộ di sản cho X. Tuy nhiên, bà B (vợ ông A) là người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (Điều 644 BLDS 2015). Suy ra, chỉ có 02 người thừa kế đó là bà B và X. Theo đó, bà B phải được hưởng ít nhất 2/3 suất thừa kế theo pháp luật, cách tính như sau: 

900 triệu : 2 x 2/3 = 300 triệu

Phần X được hưởng thừa kế của ông A là 900 triệu – 300 triệu = 600 triệu.

 

Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn