Hướng dẫn cách xác định thẩm quyền của Tòa án trong vụ án dân sự


Hướng dẫn cách xác định thẩm quyền của Tòa án trong vụ án dân sự

Có thể nói, việc xác định chính xác thẩm quyền giải quyết của Tòa án là điều tối quan trọng mà người đi kiện cần lưu ý. Bởi lẽ chỉ cần xác định sai phạm vi tranh chấp thì việc bị trả lại đơn khởi kiện là rất lớn, khiến việc tố tụng đã khó nay lại nhọc nhằn hơn. Do vậy bài viết xin chia sẻ một số bước để mọi người có thể định hình trình tự xác định thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Tòa án, cụ thể như sau:

 

Bước 1: Xác định vụ án/ vụ việc dân sự có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không?

Để làm rõ vấn đề này, chúng ta sẽ xem xét các tình tiết việc dân sự cũng như yêu cầu giải quyết của đương sự là gì, sau đó đối chiếu với các quy định từ Điều 26 - Điều 34 BLTTDS 2015 để tham chiếu có vụ án/ vụ việc dân sự có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không. 

 

Lưu ý: Trong một số trường hợp khi khởi kiện án dân sự cần xem xét có thuộc các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 192 Bộ luật trên hay không, tránh tình trạng thực hiện không đúng giai đoạn “tiền tố tụng” dẫn đến phải tốn thời gian làm lại từ đầu. 

 

Bước 2: Xác định cấp Tòa án có thẩm quyền giải quyết đối với vụ án/ vụ việc trên

 

Sau khi đã xác định vụ án/ vụ việc dân sự của mình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, chúng ta tiếp tục xem xét vụ án của mình sẽ do Tòa án cấp huyện/ cấp tỉnh thụ lý giải quyết bằng cách đối chiếu với các quy định từ Điều 35 - Điều 38 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.  

 

Bước 3: Xác định thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án 

Sau khi đã xác định rõ cấp Tòa án nào có thẩm quyền, ta sẽ đi đến bước cuối cùng là xem xét Tòa án khu vực nào sẽ thụ lý giải quyết vụ án của mình, bằng cách đối chiếu với các quy định từ Điều 39 - Điều 41 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Trong bước này, mọi người rất dễ xác định nhầm lẫn thẩm quyền giải quyết của tòa đối với những tranh chấp có liên quan đất đai. Theo đó, nếu đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết, tuy nhiên đối với các tranh chấp hợp đồng, tranh chấp thương mại,... có nội dung liên quan đến bất động sản (ví dụ tranh chấp hợp đồng kinh doanh bất động sản,...) thì không xác định thẩm quyền của tòa án theo Điều 39 (1c) Bộ luật này.

 


Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn