Quy trình xây dựng, ban hành quyết định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh


Quy trình xây dựng, ban hành quyết định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh


1. Đề nghị xây dựng quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

2. Soạn thảo quyết định;

3. Lấy ý kiến về dự thảo quyết định;

4. Thẩm định dự thảo quyết định;

5. Ủy ban nhân dân xem xét, thông qua dự thảo quyết định; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký ban hành;

6. Đăng công báo.

Bước 1. Đề nghị xây dựng quyết định

- Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm đề nghị xây dựng quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đề nghị xây dựng quyết định phải nêu rõ tên gọi, sự cần thiết ban hành, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, nội dung chính của quyết định, dự kiến thời gian ban hành, cơ quan chủ trì soạn thảo. Đối với quyết định quy định những vấn đề được giao quy định chi tiết, cơ quan đề xuất phải rà soát văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước trung ương và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp để xác định rõ nội dung, phạm vi giao quy định cụ thể. Đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp phải gửi hồ sơ đề nghị xây dựng quyết định đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để lấy ý kiến.

- Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp xem xét kiểm tra việc đề nghị ban hành quyết định, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, quyết định việc xây dựng.

 - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công cơ quan chủ trì soạn thảo.

Bước 2. Soạn thảo quyết định

-Việc soạn thảo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định tại Điều 127, 128 và 129 Luật năm 2015. Cơ quan soạn thảo có trách nhiệm: khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội ở địa phương; nghiên cứu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; xây dựng dự thảo và tờ trình dự thảo quyết định; đánh giá tác động văn bản trong trường hợp dự thảo quyết định có quy định cụ thể các chính sách đã được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong trường hợp được luật giao, đánh giá tác động về giới (nếu có); tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo quyết định.

Bước 3. Lấy ý kiến vào dự thảo quyết định

Luật năm 2015 quy định dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được đăng tải toàn văn trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời hạn ít nhất là 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến;

Cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong trường hợp lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quyết định thì cơ quan lấy ý kiến có trách nhiệm xác định những vấn đề cần lấy ý kiến và bảo đảm ít nhất là 30 ngày kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến để các đối tượng được lấy ý kiến góp ý vào dự thảo văn bản. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản.

Bước 4. Thẩm định dự thảo quyết định

- Cơ quan soạn thảo có trách nhiệm gửi dự thảo quyết định đến Sở Tư pháp để thẩm định chậm nhất là 20 ngày trước ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh họp. Đối với dự thảo quyết định liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo thì Giám đốc Sở Tư pháp thành lập hội đồng tư vấn thẩm định, bao gồm đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học. Tổng số thành viên Hội đồng tư vấn thẩm định do Giám đốc Sở Tư pháp quyết định.

- Hồ sơ thẩm định gồm:

(1) Dự thảo Tờ trình Ủy ban nhân dân về dự thảo quyết định;

(2) Dự thảo quyết định;

(3) Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý;

(4) Tài liệu khác (nếu có). Tài liệu quy định (1), (2) được gửi bằng bản giấy, tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.

- Trên cơ sở nghiên cứu và kết quả cuộc họp thẩm định về dự thảo, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn thành báo cáo thẩm định gửi cơ quan soạn thảo (Sở Tư pháp có trách nhiệm thẩm định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ). Trường hợp Sở Tư pháp kết luận dự thảo chưa đủ điều kiện trình thì phải nêu rõ lý do trong báo cáo thẩm định. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo quyết định và đồng thời gửi báo cáo giải trình, tiếp thu kèm theo dự thảo văn bản đã được chỉnh lý đến Sở Tư pháp khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh dự thảo quyết định.

Bước 5. Ủy ban nhân dân xem xét, thông qua dự thảo quyết định

-Để các thành viên Ủy ban nhân dân có thời gian nghiên cứu dự thảo trước khi xem xét, thông qua, Luật năm 2015 quy định cụ thể tại Điều 131 như sau: “Cơ quan soạn thảo gửi hồ sơ dự thảo quyết định đến các thành viên Ủy ban nhân dân chậm nhất là 03 ngày trước ngày Ủy ban nhân dân họp”. Theo quy định của Luật năm 2015, tùy theo tính chất và nội dung của dự thảo quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phương thức xem xét, 15 thông qua dự thảo quyết định. Dự thảo quyết định được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên ủy ban nhân dân biểu quyết, tán thành.

Bước 6. Đăng công báo

-Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải được đăng Công báo cấp tỉnh và phải được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

 

 

 

 

 

 

Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn